Phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong năm 2022 - 2023

Trong văn bản trả lời cử tri mới đây, NHNN cho biết, phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Hậu Giang, Yên Bái, , Quảng Ngãi, Bạc Liêu, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng về các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới phục hồi sản xuất, kinh doanh; bổ sung đối tượng được hỗ trợ giãn nợ, giảm lãi suất... để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong văn bản trả lời cử tri mới đây, NHNN cho biết, từ năm 2020 đến nay, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, NHNN đã nhanh chóng, kịp thời ban hành và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19 thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực (trong đó có các cơ sở giáo dục ngoài công lập).

Về giảm lãi suất, NHNN đã giảm nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành (1,5-2%/năm) ngay trong năm 2020 (thuộc nhóm các ngân hàng Trung ương giảm lãi suất nhanh và mạnh nhất khu vực) và giữ lãi suất điều hành ở mức thấp trong năm 2021 nhằm giảm chi phí tiếp cận vốn từ NHNN, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và 0,82%/năm trong năm 2021; Tổng số tiền miễn giảm lãi, phí, tham gia công tác an sinh xã hội tổng cộng lên tới gần 40.000 tỷ đồng từ chính nguồn lực tài chính của hệ thống các TCTD.

Bên cạnh đó, NHNN đang triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Để hỗ trợ các đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHCSXH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1990/QĐ-TTg ngày 26/11/2021 về việc giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách, theo đó thực hiện giảm 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng tại NHCSXH, áp dụng đối với các món vay còn dư nợ trong thời gian từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Tiếp đó, ngay từ đầu năm 2022, để bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, đặc biệt là người lao động, người nghèo, người yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid - 19, tại Nghị quyết số 43/2022/QH ngày 11/1/2022 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã chỉ đạo hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong giai đoạn 2022-2023 với tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng. Trên cơ sở chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định để hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho NHCSXH trong Quý I năm 2022.

Về phía NHNN sẽ chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Tài chính để khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định, làm cơ sở để NHCSXH triển khai thực hiện ngay việc hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng vay vốn để cùng vượt qua khó khăn của đại dịch Covid - 19.

Về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN) tạo khung khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.

Đặc biệt, Thông tư sửa đổi Thông tư 01 đã: Sửa phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí bao gồm khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 (thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến ngày 10/6/2020); Sửa đổi phạm vi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí đối với nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (thay vì từ 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021); Kéo dài thời gian thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí của các TCTD, chi nhánh NHNNg đến ngày 30/6/2022 (thay vì đến ngày 31/12/2021).

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục ngoài công lập còn là đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng cho các đối tượng theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh (theo các Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP; Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP,...).

Ngoài ra, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, có chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch (tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng) và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, NHCSXH và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về điều kiện, trình tự, thủ tục, mức lãi suất cho vay đối với các đối tượng này trong quý I/2022.

Như vậy, doanh nghiệp và người dân có thể tìm hiểu, làm việc với các TCTD trên địa bàn để được hỗ trợ xem xét cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay, cho vay mới và hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, NHNN và chính sách riêng của từng TCTD.

Với phương châm là chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng, các giải pháp được triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đã đạt được kết quả cụ thể, tích cực, giúp giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp trong trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh. Đây là nỗ lực rất lớn của các TCTD trong điều kiện cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống; đẩy mạnh kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi.

Tuệ Minh

Lượt xem: 196
Tác giả: admin1
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.