Phát huy lợi thế, hút dòng vốn “ngoại”

Trong 8 tháng năm 2022, nguồn vốn ngoại “đổ” vào Hà Nội có sự tăng trưởng khá rõ nét. Bối cảnh này cho thấy những nỗ lực của Hà Nội trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh dựa trên những lợi thế riêng có của Thủ đô.

Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội tiếp tục có xu hướng tăng mạnh. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, chỉ tính riêng tháng 8, TP Hà Nội có 36 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký 16,4 triệu USD; 19 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư hơn 1,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 23 lượt, đạt 5,1 triệu USD. Lũy kế 8 tháng qua, thành phố thu hút hơn 992 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số đăng ký cấp mới trong 8 tháng qua đạt 226 dự án với số vốn hơn 141 triệu USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ; có 122 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 374,6 triệu USD, tăng 16%; gần 260 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần trị giá 476,4 triệu USD. “Đây là kết quả tích cực đến từ việc Hà Nội đã phát huy tốt các lợi thế về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế-xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao”, ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội bày tỏ.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài), Hà Nội. Ảnh: PHẠM HÙNG 

Đầu tư nước ngoài đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thủ đô, tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, chất lượng, hiệu quả và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Đầu tư nước ngoài vẫn tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp để tận dụng chi phí lao động thấp và hưởng ưu đãi, như gia công (dệt may, da giày, chế biến gỗ), lắp ráp (điện tử, ô tô, xe máy...) và một số ngành chế biến thực phẩm. Những ngành này thường sử dụng nhiều lao động, suất đầu tư trên 1ha đất sử dụng chưa cao; dự án chủ yếu có quy mô nhỏ. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với năng lực, lợi thế và ưu đãi được hưởng; tỷ lệ vốn thực hiện trên tổng vốn đầu tư đăng ký chưa cao; liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ cũng hạn chế.

Để nâng cao "chất" và "lượng" trong thu hút dòng vốn ngoại, ông Nguyễn Ngọc Tú cho hay: "TP Hà Nội sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, dự án phù hợp với mức độ phát triển của thành phố". Trong Kế hoạch số 153/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về việc hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn TP Hà Nội cũng nêu rõ, trong giai đoạn 2020-2025, Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô cũng như những thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng. Lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành, lĩnh vực có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo có tính lan tỏa và có giá trị gia tăng cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hạn chế tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường. Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai. Công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư.

HẠNH DUNG

 

Tags: lợi thế
Lượt xem: 24
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.