Phát triển lành mạnh thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản (BĐS) những tháng đầu năm 2022 tiếp tục chứng kiến tình trạng lệch pha cung-cầu khi nguồn cung hạn chế còn nhu cầu không ngừng gia tăng.

Cùng với đó là những biểu hiện đầu cơ, thổi giá, khiến giá BĐS tăng lên nhanh chóng, thiết lập mặt bằng giá mới rất cao. Thị trường có dấu hiệu phát triển lệch lạc, thiếu bền vững, dần rời xa giá trị thực.

Chủ đầu tư các dự án BĐS viện không ít lý do, từ giá đất tăng, vật liệu xây dựng biến động đến thủ tục pháp lý mất nhiều thời gian... để đẩy giá lên cao. Khi nguồn cung hạn chế, các doanh nghiệp BĐS có xu hướng tập trung vào phân khúc cao cấp, giá bán cao, lợi nhuận gấp nhiều lần so với nhà ở bình dân, giá rẻ. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, phân khúc nhà ở bình dân với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 hầu như vắng bóng tại khu vực trung tâm các đô thị, đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn. Xu hướng này càng khiến độ lệch pha của thị trường nới rộng hơn, người có nhu cầu nhà ở khó tiếp cận thị trường, còn sản phẩm chào bán chủ yếu là hàng đắt tiền, không phục vụ đại bộ phận người dân.

Ảnh minh họa: TTXVN 

Hai yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến nguồn cung BĐS là quỹ đất và nguồn vốn. Giá nhà ở bị đẩy lên cao như hiện nay có nguyên nhân từ những đợt "sốt đất ảo" kéo dài trong mấy năm gần đây. Để ngăn chặn "sốt đất ảo", cần phải loại bỏ tình trạng đầu cơ, thổi giá, kiếm lời từ mua đi bán lại. Nhà nước có thể sử dụng công cụ thuế, áp thuế cao với đất chậm đưa vào sử dụng, bỏ hoang, không tạo ra giá trị cho xã hội. Đối với những dự án treo, cần kiên quyết thu hồi. Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án BĐS cần được ràng buộc một cách chặt chẽ, cùng với giao đất là tiến độ cụ thể để sớm có sản phẩm cung cấp cho thị trường, nhất là sản phẩm nhà ở.

Một trong những giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả trong việc tạo lập thế cân bằng, hài hòa cho thị trường BĐS là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Đây là các dự án nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước với giá bán ưu đãi, hướng đến các đối tượng chính sách, LLVT, người thu nhập thấp...

Không chỉ đáp ứng nhu cầu cho những người đang khó khăn về chỗ ở, khi có nguồn cung nhà ở xã hội đủ lớn sẽ giúp "hạ nhiệt" giá nhà, đưa BĐS trở về gần với giá trị thực. Nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội ở nước ta đã được ban hành. Chính phủ cũng dành nguồn lực đáng kể trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để cho vay xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, cải tạo chung cư cũ... Muốn tranh thủ nguồn lực này, các địa phương cần ưu tiên bố trí quỹ đất cho dự án nhà ở xã hội, nhất là quỹ đất sạch, đã được giải phóng mặt bằng, phù hợp với quy hoạch đô thị.

Cùng với việc triển khai xây dựng các tuyến đường vành đai, trục hướng tâm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương, không gian đô thị cũng được mở rộng hơn. Quỹ đất dọc các tuyến đường nếu được khai thác, sử dụng hợp lý, quy hoạch đồng bộ, hiện đại sẽ tạo nguồn cung dồi dào cho thị trường BĐS. Ngay từ quy hoạch, cần xác định từng khu vực xây dựng nhà ở, đi kèm với đó là giao thông kết nối, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hài hòa với cảnh quan, môi trường. Đây cũng là điều kiện để thu hút nguồn lực từ xã hội phù hợp với định hướng phát triển thị trường BĐS và góp phần xây dựng bộ mặt đô thị khang trang.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Tags: qdnd
Lượt xem: 1.404
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.