Sản xuất nông nghiệp ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao
Ngành nông nghiệp nước ta đã có những đột phá và đạt kỷ lục chính là từ mặt hàng rau quả và trái cây khi kim ngạch xuất khẩu tăng tới 64% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản xuất nông nghiệp của cả nước 7 tháng đầu năm 2023 vẫn duy trì tốt đà tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực
Báo Nhân Dân dẫn nguồn số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/7, cả nước gieo cấy được 1.194,4 nghìn ha lúa mùa, bằng 105,8% cùng kỳ năm trước, trong đó, các địa phương phía bắc gieo cấy 836,1 nghìn ha, bằng 108%; các địa phương phía nam gieo cấy 358,3 nghìn ha, bằng 101%.
Cụ thể vụ lúa hè thu, đến trung tuần tháng 7, cả nước gieo cấy được 1.905,3 nghìn ha lúa hè thu, bằng 99,9% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía bắc đạt 172,9 nghìn ha, bằng 98,7%; các địa phương phía nam đạt 1.732,4 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.473,2 nghìn ha, bằng 100,5%.
Tiếp đó về lúa thu đông, tính đến ngày 15/7, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 263,4 nghìn ha, bằng 94,3% cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang có nhiều biến động, nhất là từ sau khi Ấn Độ ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường (phi Basmati), thì việc bảo đảm nguồn cung lúa gạo trong nước là vô cùng quan trọng để vừa ổn định an ninh lương thực quốc gia, vừa cung cấp đủ lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu.
Tính đến trung tuần tháng 7/2023, đối với cây hằng năm cả nước gieo trồng được 716,6 nghìn ha ngô, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm trước; 67,1 nghìn ha khoai lang, bằng 95,9%; 18,8 nghìn ha đậu tương, bằng 93,7%; 132,2 nghìn ha lạc, bằng 96,3%; 870,8 nghìn ha rau, đậu, bằng 100,7%.
Tuy sản xuất lâm nghiệp tuy gặp bất lợi bởi thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng vẫn duy trì được đà tăng trên một số mặt, như: số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 52,1 triệu cây, tăng 4,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 10,5 triệu m3, tăng 2,8%. Tuy nhiên, diện tích rừng bị thiệt hại vẫn còn cao, ở mức 1.348,8 ha, tăng 92,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 715,5 ha, tăng 9,3%; diện tích rừng bị cháy là 633,3 ha, gấp 14 lần.
Trong khi đó, lĩnh vực chăn nuôi cũng tương đối ổn định, trong đó chăn nuôi lợn và gia cầm hồi phục. Ước tính tổng số lợn của cả nước đến thời điểm cuối tháng 7/2023 tăng 2,8% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số bò tăng 0,8%; tổng số gia cầm tăng 2,1%.
Đặc biệt, sản lượng thủy sản tháng 7/2023 ước đạt 823,1 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 474,7 nghìn tấn, tăng 3,4%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 348,4 nghìn tấn, tăng 1,6%. Tính chung 7 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 5.093,6 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá đạt 3.669,6 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 673 nghìn tấn, tăng 3,5%; thủy sản khác đạt 751 nghìn tấn, tăng 1,3%.
Vượt khó khăn để hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD
Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chỉ ra, năm 2023, ngành nông nghiệp tiếp tục phải đối mặt với 3 chữ “biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Do đó, việc canh tác sản xuất cũng phải kịp thời thích ứng nhằm bảo đảm an ninh lương thực, giữ vững được chỉ số tăng trưởng ngành và bảo đảm đời sống nông dân.
Theo báo Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ (NNPTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ và thống nhất tư duy làm việc trong thời gian tới với tập thể cán bộ trong đơn vị. Đặc biệt, Bộ trưởng cũng đề ra 9 giải pháp cụ thể mang tính đột phá để phát triển nông nghiệp năm 2023.
Theo đánh giá, nhận xét của các chuyên gia lẫn từ các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT, dự báo, năm 2023 chúng ta vẫn có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đã đề ra 55 tỷ USD. Để đạt mục tiêu kế hoạch này Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Về giải pháp đối với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu Cục Lâm nghiệp tập trung phối hợp với ngành thuế thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu.
Trao đổi với báo Quân Đội Nhân Việt Nam, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho biết: "6 tháng đầu năm 2023 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp vẫn đạt 3,1%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản chính 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thủy sản 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; đồ gỗ và lâm sản 6,5 tỷ USD, giảm 28,8%; muối 2,4 triệu USD, giảm 14,2%...".
Cũng theo ông Việt, từ nay đến cuối năm 2023 xuất khẩu sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu theo kế hoạch đã đề ra năm 2023 thì cần phải tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới, thị trường ngách. Thị trường chính là “chìa khóa” để tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. 6 tháng cuối năm 2023, mỗi tháng còn lại chúng ta phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu phải đạt 7-8% để bù cho sụt giảm 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó cần tổ chức sản xuất tốt để đảm bảo tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Tiếp đó cần phải chú trọng đến công tác phòng, ứng phó thiên tai hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công làm cơ sở, tiền đề cho ngành nông nghiệp tăng trưởng không chỉ trong năm 2023 và trong những năm tiếp theo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) chia sẻ thêm 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn từ các thị trường chính: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thế nhưng từ tháng đầu tháng 7/2023, thị trường xuất khẩu mặt hàng tôm (chiếm khoảng 38-40% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản) đã có dấu hiệu ấm dần lên.
Đặc biệt, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp nước ta đã có những đột phá và đạt kỷ lục chính là từ mặt hàng rau quả và trái cây khi kim ngạch xuất khẩu tăng tới 64% so với cùng kỳ năm 2022, đạt khoảng 2,75 tỷ USD. Với những mặt hàng chính: Thanh long, sầu riêng, vải, nhãn, chôm chôm. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng thiết lập kỷ lục khoảng 850-876 triệu USD, tăng gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Nhận định vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: Chưa bao giờ xuất khẩu rau quả và trái cây đạt cao như hiện nay. Nếu đà tăng trưởng cứ như thế này, thì chắc chắn năm 2023 sẽ đạt trên 5 tỷ USD. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành NNPTNT triển khai kế hoạch 6 tháng đầu năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen. Trong đó, khó khăn lớn nhất thuộc về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, chủ yếu đối với mặt hàng đồ gỗ và thủy sản. Tuy nhiên, những tháng gần đây thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực.
Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 7 tăng 0,45%
Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt tăng khi nhu cầu tăng cao vào mùa du lịch là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,45% so với tháng trước.
So với tháng 12/2022, CPI tháng 7 tăng 1,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06%. Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,45% của CPI tháng 7 có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,7%).
Trúc Chi (t/h)