Sao Ta (FMC): Doanh thu quý I giảm đáng kể, lợi nhuận vẫn tăng vì đâu?
Quý I/2023, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Sao Ta, mã: FMC) báo doanh thu thuần đạt 1.008 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh nghiệp này lại tăng trưởng lợi nhuận nhờ hàng loạt chi phí được tiết giảm.
Lợi nhuận tăng trưởng khi chi phí được tiết giảm
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 vừa công bố, Sao Ta báo doanh thu thuần giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.008 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, mảng thuỷ sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 955 tỷ đồng, mảng bán hàng nông sản chiếm 55 tỷ đồng.
Giá vốn cũng giảm tương ứng 23% xuống 928 tỷ đồng, theo đó lãi gộp của Sao Ta đạt 80 tỷ đồng. Mức lãi gộp này giảm 32% so với cùng kỳ, tính chung biên lãi gộp trong quý đạt khoảng 7,9%, thấp hơn gần 1 điểm % so với mức 8,8% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý, doanh thu hoạt động tài chính của Sao Ta tăng nhẹ 12,5% so với cùng kỳ, lên gần 18 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 43% lên 8,6 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay (3 tỷ đồng).
Trong quý, chi phí quản lý tăng nhẹ lên 15 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng giảm mạnh gần 3 lần xuống 24 tỷ. Theo thuyết minh, chi phí vận chuyển, hoa hồng cùng các chi phí các đều giảm so với quý I/2022, ngoài ra, cùng kỳ năm trước doanh nghiệp ghi nhận 3,4 tỷ đồng thuế chống bán phá giá, trong khi quý này không ghi nhận. Đây cũng chính là đóng góp lớn giúp doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm.
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ 2023 diễn ra ngày 7/4 vừa qua, ban lãnh đạo Sao Ta cho biết, từ cuối năm 2020, nhận thấy chi phí logistic tăng quá cao nên doanh nghiệp đã chuyển hướng về thị trường xuất khẩu gần mà Nhật Bản là thị trường trọng điểm. Quý I/2023, thị phần Nhật hơn 40%. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chi phí vận chuyển hàng hoá trong kỳ giảm mạnh. “Tỷ suất lợi nhuận ở thị trường Nhật Bản tốt hơn do có tỷ lệ hàng tinh chế, phối chế cao, nên Sao Ta sẽ tập trung tổng lực để phát triển thị trường mục tiêu đề ra” - đại diện doanh nghiệp nói.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Sao Ta trong quý đạt gần 51 tỷ đồng, tăng 16% so với mức 44 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lãi sau thuế đạt 48,5 tỷ đồng, tăng 16%.
Năm 2023, công ty đặt kế hoạch 5.900 tỷ đồng doanh thu, 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 39%, 22% so với cùng kỳ 2022. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp mới thực hiện được 17% kế hoạch doanh thu và 12% mục tiêu lợi nhuận.
Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Sao Ta giảm 6% so với đầu năm, xuống mức 2.815 tỷ đồng. Trong đó chiếm đa số là tài sản ngắn hạn với 1.660 tỷ đồng, lượng tiền và các khoản tương đương tiền còn khá dồi dào với 460 tỷ đồng
Tính đến cuối quý I/2023, Sao Ta còn 260 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, tuy nhiên công ty không trích dự phòng cho khoản này. Một vài khoản phải thu ngắn hạn khác như: đơn vị Ký quỹ xây dựng nhà máy thuỷ sản Sao Ta 4,2 tỷ đồng, trích trước lãi tiền gửi 895 triệu, tạm ứng cho nhân viên 1,8 tỷ. Hàng tồn kho còn 825 tỷ, giảm 11% so với đầu năm, chủ yếu bao gồm nguyên vật liệu và hàng thành phẩm.
Về phía nguồn vốn, tính đến ngày 31/3/2023, tổng nghĩa vụ nợ trên báo cáo tài chính của Sao Ta ghi nhận 692 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn ngân hàng ghi nhận đến cuối kỳ là 434 tỷ đồng, nằm tại 2 ngân hàng thương mại là Vietcombank và VietinBank. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay này là nhà tiếp nhận, nhà ở công nhân, dây chuyền cấp đông, hàng tồn kho,... Ngoài ra, doanh nghiệp không có khoản vay dài hạn.
Vốn chủ sở hữu tính đến 31/3 ghi nhận 2.123 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc tăng vốn trong năm 2023, đại diện Sao Ta cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, công ty có thặng dư vốn khá tốt, đã tăng vốn điều lệ trước khi có kế hoạch mở rộng vùng nuôi, cho nên giai đoạn này chưa cần thêm vốn. Sắp tới nếu tìm được quỹ đất đủ rộng, Sao Ta sẽ tiếp tục mở rộng vùng nuôi, lúc đó sẽ có nhu cầu vốn.
Trong phân tích mới nhất, chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự phóng trong năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FMC lần lượt đạt 6.249 tỷ đồng, tăng 9,6% và 356 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ 2022. Kế hoạch mở rộng nhà máy và vùng nuôi sẽ là động lực tăng trưởng cho sự phát triển của doanh nghiệp.