Sẽ thanh tra kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ “kỳ nghỉ du lịch”

Những năm gần đây thị trường du lịch xuất hiện các doanh nghiệp cung cấp các gói dịch vụ nghỉ dưỡng định kỳ hàng năm tại các khu nghỉ dưỡng, chủ sở hữu kỳ nghỉ có quyền sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định và có thể chia sẻ sản phẩm hoặc trao đổi dịch vụ đó với các chủ sở hữu khác.

Article thumbnail
Dưới hình thức mua kỳ nghỉ dưỡng tại các dự án của ALMA, nhiều khách hàng bỏ ra từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng - Ảnh: Website ALMA Dưới hình thức mua kỳ nghỉ dưỡng tại các dự án của ALMA, nhiều khách hàng bỏ ra từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng - Ảnh: Website ALMA

Tuy nhiên, không giống như quảng cáo, nhiều người đã “vỡ mộng” với những gói kỳ nghỉ này.

Dịch vụ cung cấp gói nghỉ dưỡng định kỳ hàng năm, tên gọi khác là “timeshares” xuất hiện tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới trong những năm gần đây. Theo đó, người mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ sẽ phải trả một khoản tiền để có thể sở hữu kỳ nghỉ tại các bất động sản bất kỳ trong hệ thống của doanh nghiệp, mà thường là một tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản hay nghỉ dưỡng.

Người mua có quyền sử dụng bất động sản đó trong một khoảng thời gian thường là 7 ngày/năm liên tục trong nhiều năm với mức giá được quy định tại hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi loại hình kinh doanh mới này du nhập vào Việt Nam một thời gian, thị trường đã xuất hiện những vấn đề gây bức xúc khi người tiêu dùng tham gia các giao dịch liên quan đến dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ.

Năm 2023, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lê Thanh Liêm cho biết: Từ đầu năm 2023 đến tháng 10/2023, Thanh tra Bộ đã tiếp nhận 279 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến hợp đồng kỳ nghỉ du lịch, thẻ du lịch.

Nội dung trong các đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra Bộ VHTTDL. Căn cứ Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tùy từng nội dung đơn cụ thể, Thanh tra Bộ đã hướng dẫn công dân gửi đơn đến tòa án, cơ quan thuế, cơ quan cảnh sát điều tra.

Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý đơn, Thanh tra Bộ cũng đã có các văn bản khuyến cáo tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ”.

Thanh tra Bộ kiến nghị lãnh đạo bộ có văn bản chỉ đạo các sở VHTTDL, sở du lịch tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giao kết hợp đồng mua kỳ nghỉ du lịch, thẻ du lịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động du lịch đối với các đơn vị có hoạt động kinh doanh kỳ nghỉ du lịch, thẻ du lịch trong phạm vi chức năng quản lý.

Đề nghị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương, tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện việc ký hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ mua bán kỳ nghỉ du lịch, thẻ du lịch để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Thanh tra Bộ và đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thống nhất đề nghị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, cơ quan quản lý Nhà nước liên quan tham mưu, đề xuất đưa hợp đồng liên quan đến “sở hữu kỳ nghỉ” vào danh sách các loại hợp đồng bắt buộc theo mẫu, hợp đồng phải kiểm tra trước (danh sách hợp đồng này do Thủ tướng Chính phủ quyết định).

Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch  Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, về bản chất, loại hình kinh doanh “kỳ nghỉ du lịch” là giao dịch dân sự, chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và thuộc thẩm quyền quản lý, xử lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước theo phạm vi thẩm quyền được giao.

“Bộ Công Thương chỉ xem xét ý kiến, phản ánh của người tiêu dùng từ khía cạnh pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các Bộ, ngành khác và địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền, ví dụ: Dấu hiệu lừa đảo thuộc thẩm quyền xem xét của Bộ Công an, tòa án nhân dân các cấp…” - bà Nguyễn Quỳnh Anh thông tin.

Lãnh đạo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận được một số đơn, phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến loại hình kinh doanh “kỳ nghỉ du lịch”, bao gồm các vấn đề về hình sự, dân sự, du lịch, bảo vệ người tiêu dùng, cạnh tranh...

Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ năm 2021, Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin rộng rãi để người dân nắm được bản chất của loại hình hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ cũng như những điều cần lưu ý khi giao kết loại hình hợp đồng này.

Liên quan tới đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng gửi tới Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương còn tiến hành các hoạt động khác nhằm thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực “kỳ nghỉ du lịch” như: Tiến hành thanh tra một số doanh nghiệp, trong đó đã xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi hợp đồng theo mẫu nhằm tuân thủ pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng dùng khi ký kết với người dân, yêu cầu doanh nghiệp cải chính thông tin tới người dân….

Đồng thời, Bộ Công Thương còn tổ chức các buổi tiếp công dân, làm việc với doanh nghiệp; thu thập, xác minh thông tin, phối hợp với một số bên có liên quan để xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân; hướng dẫn người dân gửi đơn tới các cơ quan có thẩm quyền như: Cơ quan điều tra của Bộ Công an đối với nội dung phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự; Tòa án đối với nội dung phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về dân sự liên quan đến các giao dịch dân sự đã được xác lập…

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi sát tình hình, tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ “kỳ nghỉ du lịch” để trên cơ sở đó kiến nghị Chính phủ các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.