Shopee bắt tay với YouTube làm thương mại điện tử

Người dùng YouTube ở Indonesia có thể mua hàng Shopee sau khi hai bên hợp tác với nhau, dự kiến sẽ mở rộng dịch vụ này sang Thái Lan và Việt Nam trong vài tuần tớ

Theo Reuters, hôm 18/9, YouTube, thuộc sở hữu của tập đoàn Alphabet Inc và nền tảng thương mại điện tử Shopee đã thông báo rằng họ sẽ ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Indonesia, đồng thời có kế hoạch mở rộng sang các quốc gia Đông Nam Á khác khi cạnh tranh với đối thủ TikTok ngày càng gia tăng.

Theo thỏa thuận hợp tác giữa YouTube Shopping và Shopee, người dùng sẽ có thể mua các sản phẩm được giới thiệu trên YouTube thông qua các liên kết dẫn tới Shopee.

Các lãnh đạo của hai công ty cho biết họ dự kiến sẽ mở rộng dịch vụ này sang Thái Lan và Việt Nam trong vài tuần tới. Hiện tại, YouTube Shopping đã hoạt động tại Hàn Quốc và Mỹ.

Ông Ajay Vidyasagar, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của YouTube, cho biết tại Jakarta rằng chính "sự năng động và tốc độ phát triển của mua sắm trực tuyến tại Indonesia" là động lực thúc đẩy họ ra mắt dịch vụ này.

Theo thỏa thuận hợp tác giữa YouTube Shopping và Shopee, người dùng sẽ có thể mua các sản phẩm được giới thiệu trên YouTube thông qua các liên kết dẫn tới Shopee. (Ảnh: Reuters).

Với YouTube Shopping, Alphabet Inc và Shopee sẽ phải đối đầu với TikTok - ứng dụng video của ByteDance, hiện đã gia tăng tham vọng trong khu vực sau khi kiểm soát nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia, Tokopedia.

Khi được hỏi về quy mô hợp tác với Shopee, ông Vidyasagar cho biết đây là một thỏa thuận "rất quan trọng" nhưng từ chối cung cấp số liệu cụ thể. Ông cũng tiết lộ rằng YouTube Shopping sẽ dần dần mở cửa cho các đối tác khác ngoài Shopee.

Năm ngoái, Reuters từng đưa tin rằng YouTube đang lên kế hoạch xin giấy phép hoạt động dịch vụ thương mại điện tử tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Dịch vụ mua sắm của TikTok, TikTok Shop, đạt giá trị hàng hóa tổng cộng 16,3 tỷ USD trong năm 2023 tại khu vực Đông Nam Á, tăng gần 4 lần so với năm trước, theo báo cáo của công ty tư vấn Momentum Works.

Điều này đã đưa TikTok trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai trong khu vực, chỉ sau Shopee.

Với khoảng 700 triệu dân, Đông Nam Á là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất thế giới. Báo cáo của Momentum Works cho biết, 8 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất trong khu vực đã ghi nhận giá trị hàng hóa tổng cộng 114,6 tỷ USD trong năm 2023, tăng 15% so với năm 2022.

Lượt xem: 8
Nguồn:doanhnhanvn.vn Sao chép liên kết