Tăng cảnh báo để tránh các vụ điều tra phòng vệ thương mại

Các nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu (XK) càng lớn càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).

Trong bối cảnh kim ngạch XK của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, công tác hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng phó với các vụ kiện PVTM đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển thị trường XK. 

Số vụ kiện PVTM gia tăng

PVTM là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay trợ cấp từ chính phủ; hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa. Chính vì vậy, cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, biện pháp PVTM (gồm 3 biện pháp chính, là: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) cũng thường xuyên được các quốc gia trên thế giới sử dụng.

Thép hiện đang là một trong những mặt hàng bị nước ngoài khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất. Ảnh: NGHI TRẦN 

Kim ngạch XK của Việt Nam đã tăng mạnh qua từng năm. Nếu như năm 2001, XK của Việt Nam mới đạt mức 15 tỷ USD, thì năm 2021 đã đạt hơn 336 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. XK tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các DN Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, kim ngạch XK tăng trưởng cao đồng nghĩa DN XK của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Tính đến hết tháng 4 năm 2022, hàng hóa XK của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra  PVTM của nước ngoài. Đáng chú ý, tính từ đầu năm 2020 đến nay, dù hoạt động thương mại bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng số vụ khởi xướng điều tra liên quan đến PVTM tăng lên đáng kể (trung bình gần 20 vụ mỗi năm trong giai đoạn 2020-2022 so với mức bình quân 12 vụ/năm của thời kỳ 3 năm trước đó).

Đối với DN Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM ở mức cao sẽ có những tác động tiêu cực như giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường XK. Bên cạnh đó, DN cũng phải bố trí thời gian và nguồn lực để xử lý, thuê tư vấn pháp lý đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài dẫn đến tăng gánh nặng tài chính cho DN. 

Tăng cường hệ thống cảnh báo sớm

Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, nhận thức của cộng đồng DN về PVTM đang dần được nâng cao. Một số ngành và bộ phận DN đã xác định được hoạt động điều tra PVTM là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế. Do đó, đã chủ động trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Tuy nhiên, đa số các DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ, hiểu biết về PVTM chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra, không hiểu rõ các công việc cần thực hiện trong khi yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài rất chặt chẽ về trình tự thời gian, thủ tục, các thông tin DN phải cung cấp. Các DN không đáp ứng đúng yêu cầu của cơ quan điều tra có khả năng cao nhận được kết quả bất lợi, ảnh hưởng lớn đến hoạt động XK. Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương), các biện pháp PVTM là một phần tất yếu, không thể tách rời với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì vậy, các DN cần coi công cụ, biện pháp PVTM là yếu tố tất yếu trong môi trường kinh doanh. Từ đó, DN phải đề ra chiến lược về sản xuất, thị trường, ứng phó... cho hiệu quả.

Để tránh các vụ kiện PVTM, Bộ Công Thương cho biết đang đẩy mạnh các hoạt động cảnh báo sớm về những mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM, từ đó giúp DN chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Cụ thể, nếu xuất hiện những yếu tố rủi ro như XK từ Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh, chiếm thị phần đáng kể tại thị trường XK hay có những dấu hiệu cho thấy các DN sản xuất tại thị trường XK đang bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh từ hàng Việt Nam, hệ thống cảnh báo của Bộ Công Thương sẽ đưa những mặt hàng này vào danh sách cảnh báo khả năng bị điều tra PVTM bởi nước ngoài.

Đặc biệt, để DN có thể chủ động hơn nữa trong việc xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, công tác nâng cao năng lực PVTM cho cộng đồng DN sẽ được Bộ Công Thương tăng cường thông qua hoạt động tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý PVTM cho các hiệp hội ngành hàng, các DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, DN cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình XK sang các nước để có những giải pháp chủ động ứng phó.

Từ góc độ ngành hàng, thép là một trong những mặt hàng của Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện PVTM từ nước ngoài. Vì vậy, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ, một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro đối mặt với các vụ kiện PVTM mà DN cần lưu ý chính là đa dạng hóa sản phẩm, thị trường XK để phân tán rủi ro, tránh tập trung XK với khối lượng lớn vào một thị trường. Bên cạnh đó, các DN cần phát triển chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm XK, phát triển thương hiệu.

MINH ĐỨC

Tags: qdnd