Techcombank dự lãi 27.000 tỷ đồng, năm thứ 11 không chia cổ tức
Techcombank cũng lên kế hoạch chuyển trụ sở chính từ Toà nhà Vincom tại số 191 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng về số 6 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trong năm nay.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022 với những nội dung quan trọng liên quan đến kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ và chia cổ tức.
Cụ thể, sau năm 2021 với lần đầu tiên ghi nhận lãi trước thuế vượt mốc 1 tỷ USD (trên 23.000 tỷ đồng), Techcombank dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 27.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 16,2% so với năm liền trước. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức lợi kỷ lục của Techcombank từ ngày thành lập.
Dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 446.500 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tỉ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3-5) dự kiến thấp hơn 1,5%.
Sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận của các cổ đông thiểu số, lợi nhuận năn 2021 còn lại hơn là gần 13.394 tỷ đồng. Cộng với khoản lợi nhuận chưa chia của các năm trước, lợi nhuận có thể phân phối của Techcombank là gần 40.137 tỷ đồng. Dù sở hữu khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vượt mốc 40.000 tỷ đồng, ngân hàng dự kiến sẽ không chia cổ tức trong năm 2022. Lợi nhuận được giữ lại nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Đây là năm thứ 11 liên tiếp nhà băng này xin giữ lại lợi nhuận không chia cổ tức.
Về phương án tăng vốn điều lệ năm 2022, ngân hàng đặt kế hoạch phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên hơn 35.172 tỷ đồng.
Cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022 sau khi được Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng.
Phía ngân hàng cho biết đối tượng tham gia chương trình trên sẽ bao gồm lao động nước ngoài nên sẽ có sự thay đối về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của Techcombank.
Vì vậy, ngân hàng sẽ trình cổ đông phê duyệt việc điều chỉnh tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4724% thành 22,4595%. Hiệu lực thay đổi vào ngày kết thúc đợt phát hành ESOP năm 2022.
Kết phiên ngày 1/4, TCB dừng tại mức 50.300 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này thời gian gần đây có biến động song không nhiều và vẫn ở trong xu thế đi ngang từ hồi tháng 5/2021. Mã này từng lập đỉnh mức 58.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 7/2021 và điều chỉnh giảm cho tới nay.
Ngoài các kế hoạch kể trên, Techcombank cũng dự kiến trình cổ đông thông qua đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Đỗ Tuấn Anh với lý do cá nhân và tránh các xung đột lợi ích không cần thiết đối với ngân hàng.
Trước đó, ông Tuấn Anh đã có đơn từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng. Hiện ông đang là tổng giám đốc Tập đoàn KDI Holdings, doanh nghiệp do ông Kiều Hữu Dũng - cựu Chủ tịch Sacombank thành lập và làm Chủ tịch. KDI Holdings gần đây cũng chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản với 2 dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Nha Trang và Quảng Ninh.
Hội đồng quản trị Techcombank hiện có tổng cộng 9 thành viên với ông Hồ Hùng Anh giữ cương vị Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch và 3 thành viên HĐQT.
Techcombank cũng đã lên kế hoạch chuyển trụ sở chính từ Toà Vincom tại số 191 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng về số 6 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đây là địa điểm của dự án Toà nhà Techcombank có thiết kế 5 tầng hầm và 23 tầng nổi với tổng diện tích sàn sử dụng hơn 51.000 m2, tọa lạc giữa nút giao giữa hai con phố lớn Quang Trung và Lý Thường Kiệt tại trung tâm Hà Nội.