Thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ổn

NHNN bơm ròng gần 74.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng trong tuần từ 31/10 - 4/11, nhưng lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vẫn có xu hướng lên cao.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh SBV

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh SBV

Trong thời gian qua, lãi suất liên tục tăng. Lãi suất VND bình quân kỳ hạn qua đêm đã tăng lên 7,88% tại phiên giao dịch ngày 4/10. Đây là mức cao nhất trong khoảng 10 năm qua. NHNN bơm ròng gần 74.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng trong tuần từ 31/10 - 4/11, nhưng lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vẫn có xu hướng lên cao.

Trên hệ thống ngân hàng thương mại, trong tuần cuối tháng 10/2022, lãi suất huy động tiếp tục tăng sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành lần thứ 2 trong năm, với mức tăng thêm 100 điểm phần trăm (lãi suất tái cấp vốn từ mức 5% lên 6%/năm từ 25/10). Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động tăng chậm khiến nhiều ngân hàng phải chạy đua tăng lãi suất, huy động vốn để bù đắp nguồn vốn cho phần đã cho vay trong 9 tháng đầu năm.

Theo SSI Research, số liệu mới cập nhật từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 20/10 và so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 11,38%, huy động vốn tăng 4,8%. Như vậy, chênh lệch huy động - tín dụng vốn đã rơi vào trạng thái âm kể từ tháng 7 và phần nào có sự cải thiện nhẹ (mặc dù chưa quá rõ ràng), sau khi mặt bằng lãi suất huy động đã tăng mạnh trong 2 tháng qua.

Trong thông điệp phát đi mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay xét trên bình diện toàn hệ thống, thanh khoản của các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn tốt và có dư thừa. Trong tháng 10 vừa qua, thị trường chủ yếu chịu tác động của yếu tố tâm lý và những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới.

"Trước tình hình đó, NHNN đã nhanh chóng, kịp thời thực hiện vai trò điều tiết của mình thông qua triển khai các công cụ, giải pháp để hỗ trợ thanh khoản hệ thống. Với vai trò điều hành, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để đảm bảo khả năng chi trả cho các tổ chức tín dụng, đặc biệt là dịp cuối năm" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Nhận định về áp lực đối với thị trường tiền tệ và ngoại hối trong nước do biến động của thị trường thế giới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên thực tế, áp lực đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối không chỉ là áp lực đối với Việt Nam mà còn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới tác động đến kinh tế và thị trường tiền tệ Việt Nam là không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là chúng ta phải chủ động tâm thế để ứng phó với các diễn biến đó. Khi điều hành cần phải phối hợp tổng thể các chính sách kinh tế vĩ mô, không chỉ riêng chính sách tiền tệ.

Hiện nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt việc tăng cường và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, giúp giảm bớt áp lực tiền tệ và tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó các giải pháp của Chính phủ về tăng cường xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu, thu hút các dòng vốn… cũng giúp cải thiện cung cầu của thị trường ngoại tệ cũng như giảm bớt áp lực tỷ giá.

Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, chính sách tiền tệ cũng sẽ được điều hành trong mối quan hệ phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và những chính sách kinh tế vĩ mô khác trong tổng thể các giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt để kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như đảm bảo an sinh xã hội.

Lượt xem: 27
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết