Thiếu kỳ thi, môi giới bất động sản đông mà chưa tinh

Ngày càng có nhiều môi giới bất động sản (BĐS) nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao kỹ năng, kiến thức và đạt được chứng chỉ hành nghề. Họ thật sự có mong muốn cung cấp thông tin, hỗ trợ giao dịch, tạo ra một môi trường giao dịch hiệu quả và công bằng cho cả người mua và người bán.

Thiếu kỳ thi, môi giới bất động sản đông mà chưa tinh

Vai trò của người môi giới bất động sản ngày càng được nâng cao. Ảnh: Cao Nguyên

Vẫn thiếu kỳ thi so với nhu cầu

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), cùng với sự phát triển ngày càng “nóng” của thị trường, vai trò của nhà môi giới BĐS đang ngày càng được đánh giá cao, với những yêu cầu ngày càng khắt khe.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 40.000 người hoạt động môi giới BĐS có chứng chỉ do các cơ quan chức năng cấp. Dù có nhiều hơn số lượng này đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản nhưng phần lớn môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề, bởi không có “suất” thi.

Trước đó, theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ.

Tuy nhiên, thực tế trong 10 năm qua, có một số địa phương quan tâm triển khai, nhưng cũng rất hạn chế số lượt, số lượng. Tỉ lệ các kỳ thi chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS được tổ chức còn quá nhỏ so với nhu cầu. Ví dụ tại Hà Nội, địa phương có hàng vạn môi giới hoạt động nhưng chỉ tổ chức 2-3 lần trong năm, với khoảng 2-3 nghìn lượt thí sinh tham dự, TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận tình trạng tương tự.

Cần những chế tài mạnh

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) - nhấn mạnh, môi giới BĐS là ngành nghề góp phần kết nối cung cầu, kết nối cho người tiêu dùng, nhà đầu tư lựa chọn những sản phẩm phù hợp.

"Người dân nhìn chung không có năng lực thẩm định thẩm tra, hoàn toàn tin tưởng vào môi giới. Thế mà môi giới lại không đạt được tiêu chuẩn về kỹ năng nghiệp vụ thì rõ ràng rủi ro rất lớn" - TS Nguyễn Văn Đính nói.

Theo Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Luật Kinh doanh BĐS 2014 có quy định giao cho các Sở Xây dựng là nơi tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ. Nhưng nhiều địa phương không tổ chức sát hạch cho người hành nghề.

"Số ít địa phương tổ chức cũng tính cho có, làm cho xong, đối phó, không có tính chất thực sự tạo ra một kỳ sát hạch chuyên nghiệp giúp cho người môi giới có điều kiện tham gia các kỳ học, thi có chứng chỉ đúng quy định. Thế nên số lượng người được cấp chứng chỉ sau 10 năm luật có hiệu lực chỉ đáp ứng được 10%, còn lại là người ta làm theo tự do. Trong đó, có những người cố tình không muốn nhưng phần nhiều người muốn mà không tham gia được kỳ thi sát hạch nào. Từ đó cũng dẫn đến khó khăn cho người môi giới" - ông Đính nói.

Cuối tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2024/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh BĐS 2023. Trong đó về vấn đề tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ, trách nhiệm vẫn thuộc về UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cho ý kiến về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Đính bày tỏ quan điểm phải có những chế tài bắt buộc, xử lý chính quyền địa phương không tổ chức thực hiện: "Các quy trình cũng cần thật chặt chẽ và nếu có sai phạm thì cần có chế tài rất mạnh để xử lý".

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết