Thương vụ xuất ngoại giúp Vietnam Airlines thoát án huỷ niêm yết bắt buộc
Vietnam Airlines thu về 775 tỷ đồng nhờ bán vốn tại hãng hàng không Campuchia, giúp lỗ lũy kế nhỏ hơn vốn điều lệ, thoát án hủy niêm yết bắt buộc.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) mới đây đã cho biết ngày 3/1 và 29/3, hãng bay này đã nhận lần lượt 30 triệu USD và 4 triệu USD từ nhà đầu tư mua lại phần vốn góp của Vietnam Airlines tại hãng hàng không Cambodia Angkor Air (K6).
Trước đó, năm 2019, Vietnam Airlines cũng đã nhận khoản đặt cọc 1 triệu USD.
Cambodia Angkor Air là hãng bay của Campuchia, được thành lập vào năm 2009. Vietnam Airlines góp 49% vốn trong công ty liên doanh. Theo thỏa thuận, Vietnam Airlines sẽ hợp tác và hỗ trợ tối đa cho hãng hàng không Quốc gia Campuchia trong quá trình triển khai hoạt động mở rộng và phát triển, cũng như thực hiện các công việc bảo dưỡng, sửa chữa, hợp tác thương mại với nhiều ưu đãi đặc biệt. Năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận 235 tỷ đồng từ doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cho Cambodia Angkor Air.
Như vậy, theo báo cáo tài chính năm 2021 được công bố, Vietnam Airlines đã thoái 35% vốn tại K6 và nhận về 34 triệu USD, tương ứng số tiền lên đến 775 tỷ đồng. Đơn vị mua lại phần vốn này không được tiết lộ.
Sau chuyển nhượng, K6 không còn là công ty liên kết của hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Tại thời điểm 31/12/2021, giá gốc khoản đầu tư còn lại là 248 tỷ đồng.
Vietnam Airlines đã lãi 648 tỷ đồng từ việc thoái vốn tại K6 (ghi nhận tại khoản mục Doanh thu hoạt động tài chính). Khoản lợi nhuận này đã giúp Vietnam Airlines giảm số lỗ trong năm 2021.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán do Vietnam Airlines công bố, HVN lỗ sau thuế là 13.279 tỷ đồng, giảm so với số lỗ 13.338 tỷ đồng đã nêu trong báo cáo tự lập.
Lỗ lũy kế của Vietnam Airlines tính đến 31/12/2021 giảm từ 21.979 tỷ đồng xuống còn 21.961 tỷ đồng, thấp hơn so với vốn điều lệ là 22.144 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2021 sau kiểm toán là 524 tỷ đồng. Theo quy định, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Như vậy, cổ phiếu của Vietnam Airlines (mã HVN) sẽ không bị hủy niêm yết bắt buộc do vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tính đến ngày 31/12/2021 vẫn dương, số lỗ lũy kế nhỏ hơn vốn điều lệ. Vietnam Airlines hiện mới chỉ thua lỗ trong 2 năm liên tiếp là 2020 và 2021.
Công ty TNHH Deloitte Việt Nam - đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 cho Vietnam Airlines, lưu ý Vietnam Airlines các vấn đề tài chính như: nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 29.838 tỷ đồng, phải trả quá hạn 15.779 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh hợp nhất âm 6.759 tỷ đồng.
"Khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê", kiểm toán Deloitte Việt Nam lưu ý.
Sang quý đầu năm 2022, Vietnam Airlines tiếp tục lỗ nặng. Hãng này đạt tổng doanh thu 11.683 tỷ đồng, tăng khoảng 55%, tương ứng 4.100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng song giá vốn bán hàng của hãng hàng không này cũng tăng theo, từ mức 10.400 tỷ đồng lên 13.200 tỷ đồng trong quý đầu năm.
Chi phí bán hàng trong quý của Vietnam Airlines giảm xuống còn 364 tỷ đồng song các chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ, lần lượt đạt 528 tỷ đồng và 390 tỷ đồng. Khấu trừ thêm các chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ 2.621 tỷ đồng, tương ứng mỗi ngày doanh nghiệp hàng không này lỗ gần 30 tỷ đồng.
Khoản lỗ quý đầu năm nâng tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines lên hơn 24.574 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này lại âm 2.160,8 tỷ đồng.