TKV: Khát vọng lớn của Tập đoàn kinh tế đầu tàu
Kỷ niệm 86 năm Ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than (12/11/1936 - 12/11/2022), giữ vững sợi chỉ đỏ “Kỷ luật và đồng tâm”, cán bộ, nhân viên, công nhân người lao động Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã “siết chặt tay nhau”, cùng biến thách thức thành cơ hội; tiếp tục khẳng định vị thế của Tập đoàn kinh tế hàng đầu quốc gia…
Đạt doanh thu kỷ lục
Với tinh thần “khó khăn gấp đôi, nỗ lực gấp ba”, quyết tâm đổi mới sáng tạo, không ngừng khát vọng, TKV đã chiến thắng đại dịch COVID-19; thích ứng an toàn, linh hoạt, ổn định sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng và trên đà hoàn thành vượt mốc các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022.
10 tháng đầu năm, đặc biệt là quý III năm 2022, nền kinh tế nói chung, của Tập đoàn nói riêng đã và đang chịu sự tác động mạnh mẽ của suy thoái kinh tế thế giới, làm giảm nhịp độ tăng trưởng. Hơn nữa, do đang chuyển nhanh công nghệ khai thác xuống sâu, các chi phí về thăm dò, khai thác, vận chuyển, an toàn bảo hộ lao động, môi trường... đều tăng cao; nhu cầu về vốn rất lớn.
Đối diện với thử thách, Đảng ủy, Ban Lãnh đạo TKV đã đặt quyết tâm lớn để vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình mà trọng tâm là nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Nhờ định hướng đúng, nỗ lực liên tục, doanh thu và lợi nhuận của TKV đã đạt mức kỷ lục. Đây là thành tích đặc biệt quan trọng của TKV trong tổng thế bức tranh hiệu quả sản xuất kinh doanh của các Tập đoàn kinh tế Nhà nước mang tính dẫn dắt nhịp độ tăng trưởng của cả nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh “khó khăn chồng khó khăn” như vừa qua.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV Phan Xuân Thuỷ, 10 tháng năm 2022, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 133,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, doanh thu than đạt 80,3 ngàn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 17,5 ngàn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Việc thay đổi cách thức quản trị, xây dựng, điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế giúp lượng than nguyên khai đạt 33,53 triệu tấn, bằng 102% so với cùng kỳ; than tiêu thụ 38,7 triệu tấn, bằng 106,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Đồng thời, với việc bắt nhịp cùng lúc với “cơn sóng” chuyển đổi số và không ngừng đẩy mạnh tự động hóa đã giúp TKV tiết kiệm nguồn lực con người, giảm bớt các khâu lao động trung gian, cắt giảm được chi phí; đảm bảo thu nhập cho người lao động. Hiện, toàn Tập đoàn có 94.064 lao động, giảm 470 người so với đầu năm; tiền lương bình quân 14,42 triệu đồng/người/tháng; trong đó, sản xuất than 15,03 triệu đồng/người/tháng.
Triển khai các nhiệm vụ mang tầm chiến lược
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, lời ước hẹn “Kỷ luật và đồng tâm” luôn được các thế hệ cán bộ, công nhân Mỏ, ngành Than trân trọng gìn giữ, phát huy và bồi đắp để biến thách thức thành cơ hội, nhất là trong giai đoạn kinh tế đầy biến động khó lường như hiện nay. Đặc biệt, ứng phó với biến đổi khí hậu diễn biến nhanh và ngày càng phức tạp, ngành Than đã chủ động xây dựng, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh để thích nghi kịp thời, từng bước hoàn thiện cơ cấu sản xuất phù hợp.
Ngành Than đang tiếp tục phát huy truyền thống, thi đua lao động sản xuất, xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế “gương mẫu”. Ảnh: TKV |
Nhận định tình hình quý IV/2022 và thời gian tới nhu cầu than vẫn tăng cao, lượng than dự trữ không nhiều, những thách thức do chi phí đầu vào sản xuất tăng, các dự án đầu tư khó khăn… Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Tập đoàn đã thống nhất chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cân đối sản xuất, dự trữ, tiêu thụ trong quý IV và đầu năm 2023, đảm bảo đáp ứng than cho nền kinh tế.
Trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, tiếp nối các thành tựu, trong quý IV, TKV phấn đấu sản xuất than nguyên khai đạt 10 triệu tấn, cả năm đạt 40,5 triệu tấn, đạt 103,6% kế hoạch; nhập khẩu than 1,6 đến 2 triệu tấn, cả năm 4,7 đến 5,1 triệu tấn, đạt 100% kế hoạch; tiêu thụ than đạt 11,16 triệu tấn, cả năm đạt 47 triệu tấn, đạt 109% kế hoạch…
Để thực hiện được mục tiêu trên, Tập đoàn sẽ tập trung vào các giải pháp cân đối sản xuất, nhập khẩu than trong quý IV/2022 đáp ứng nhu cầu sử dụng than của các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2023. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi diễn biến giá than thế giới, điều hành giá than cho các hộ tiêu thụ trong nước theo cơ chế thị trường có xét đến việc bình ổn giá nhằm mục tiêu chung tay cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…
Cùng với đó, Đảng ủy TKV chỉ đạo các đơn vị thúc đầy đầu tư phát triển sản xuất, tăng cường quản trị rủi ro, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực từ cán bộ cấp cao đến công nhân lao động trực tiếp; thực hiện phương châm chiến lược phát triển “tốc độ mạnh hơn quy mô” để xây dựng chiến lược phát triển của TKV.
Về lâu dài, hàng loạt các nhiệm vụ mang tầm chiến lược sẽ tiếp tục được TKV đẩy mạnh, nhất là công tác quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về Than, khoáng sản; tiếp tục đầu tư đồng bộ thăm dò, khai thác, chế biến sản phẩm than, khoáng sản tạo giá trị gia tăng lớn với tầm nhìn dài hạn, bảo đảm cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.
TKV đang hướng đến những nấc thang mới trên hành trình phát triển. Ảnh: TKV |
Đi liền với đó là bảo vệ môi trường, cảnh quan, di sản văn hóa; bảo đảm quốc phòng - an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp cận các nguyên tắc của thị trường, đi đầu sử dụng các công nghệ mới, áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là tận thu đất đá thải mỏ là chất thải rắn làm vật liệu san lấp, kinh tế xanh. Quản lý than, khoáng sản chặt chẽ, công khai, minh bạch, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, không xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, cạn kiệt khoáng sản; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh theo hướng bền vững hơn, hiệu quả hơn; giảm tổn thất tài nguyên…
Xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế “gương mẫu”
Tự hào với truyền thống hào hùng 86 năm Ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than, “người TKV” hôm nay càng thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa, giá trị tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” và trân quý những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ chiều dài của lịch sử, chiều sâu của văn hóa ngành Than.
Bác Hồ kính yêu từng căn dặn: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, các thế hệ cán bộ, công nhân ngành Than hôm nay đang tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết nỗ lực, vượt qua khó khăn, thi đua lao động sản xuất, xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế “gương mẫu” như lời Bác Hồ căn dặn.
Thời gian không chờ đợi, cơ hội không tự đến, phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn trong thời đại kỹ thuật số để không đánh mất thời cơ, vận hội. Quán triệt sâu sắc văn kiện Đại hội XIII về phát triển, khơi dậy ý chí, phát huy sức mạnh của con người Việt Nam, chiến lược phát triển kinh doanh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được Đảng ủy, Ban Lãnh đạo TKV xác định là: “Thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển cả theo chiều rộng và chiều sâu, áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại; đẩy mạnh chế biến sâu tạo ra các chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị gia tăng trên nền sản xuất than, khoáng sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả”.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, cán bộ, công nhân, người lao động TKV sẽ nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo; từng bước tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. Với những kết quả đã đạt được, TKV đang hướng đến những nấc thang mới trên hành trình phát triển; tiếp tục “xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác”, xứng đáng với tầm nhìn và sứ mệnh của một Tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn mạnh.