Tổng Công ty Xi măng báo cáo vụ CFC bị mất vốn trong khoản vay do ông Bùi Hồng Minh thực hiện
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng liên quan đến những thiệt hại về tài chính của Công ty Cổ phần Tài chính xi măng (CFC) dưới thời ông Bùi Hồng Minh làm lãnh đạo liên quan đến khoản cho Công ty Med Aid Công Minh vay 80 tỷ đồng.
Ngày 21/3/2022, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam có văn bản số 463/VICEM-HĐTV gửi Bộ Xây dựng báo cáo kết quả rà soát các vấn đề mà báo chí nêu liên quan đến việc Công ty CFC cho Công ty cổ phần Med Aid Công Minh vay 80 tỷ đồng và có khả năng mất vốn.
Điều đáng nói, Công ty Med Aid Công Minh là doanh nghiệp được quản trị, điều hành bởi một số người thân trong gia đình ông Bùi Hồng Minh, Tổng Giám đốc CFC.
Theo Tổng Công ty Xi măng báo cáo, việc báo chí phản ánh mối quan hệ giữa CFC và Công ty Med Aid Công Minh là có căn cứ. Trong đó, việc CFC cho Công ty Med Aid Công Minh vay "cấp tốc" 80 tỷ đồng là có thật.
Cụ thể, ngày 31/8/2010 Công ty Med Aid Công Minh có “Giấy đề nghị vay tiền và phương án trả nợ” nhưng trước đó một ngày (30/8/2010), ông Bùi Hồng Minh đã phê duyệt “Báo cáo thẩm định và đề xuất đầu tư” đối với khoản vay 80 tỷ này.
Với tài liệu này cho thấy, việc chuyển tiền từ CFC sang Med Aid Công Minh với danh nghĩa là khoản cho vay đầu tư dự án của Công ty Med Aid Công Minh đã được chuẩn bị trước và các giấy tờ, tài liệu vốn chỉ là để hợp thức hóa nên mới có chuyện phê duyệt phương án cho vay trước khi bên vay đề nghị vay tiền.
Kể từ khi CFC rót tiền vào Med Aid Công Minh bằng việc góp vốn thành lập Công ty và đầu tư theo hình thức cho vay tài chính, CFC đã hoàn toàn không nhận được khoản lợi nào từ việc đầu tư này.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Med Aid Công Minh từ năm 2010 đến năm 2020, Công ty này hoàn toàn ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ. Trong đó, có nhiều năm thua lỗ đến hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, năm 2011 lỗ gần 16 tỷ; năm 2012 lỗ gần 25 tỷ; năm 2013 lỗ gần 23 tỷ và năm 2020 lỗ hơn 7,6 tỷ đồng.
Việc ông Bùi Hồng Minh, Tổng Giám đốc CFC thời điểm năm 2010, đã quyết định đầu tư và cho vay đối với Công ty Med Aid Công Minh một cách chóng vánh, và đáng nói hơn là mối quan hệ “người nhà” giữa ông Bùi Hồng Minh với đội ngũ quản trị, lãnh đạo Công ty Med Aid Công Minh là dấu hiệu không bình thường trong các giao dịch đầu tư, cho vay dẫn đến mất vốn Nhà nước này.
Không chỉ dừng lại ở vụ việc đầu tư, cho Med Aid Công Minh vay vốn dẫn đến mất vốn nhà nước, một số tài liệu cho thấy, dưới thời ông Bùi Hồng Minh làm Tổng Giám đốc, CFC còn thực hiện một số thương vụ đầu tư có nguy cơ mất vốn Nhà nước.
Cụ thể, ngày 14/12/2009, CFC ký hợp đồng tiền gửi với Công ty cho thuê Tài chính 1 (ALC1) thuộc Ngân hàng Nông Nghiệp, hạn mức tiền gửi liên ngân hàng 120 tỷ đồng, không có tài sản bảo đảm. Năm 2010, ALC1 nghiệp gặp khó khăn, sau nhiều lần CFC gia hạn nhưng ALC1 vẫn không có khả năng trả nợ.
Ngoài ra, CFC có nguy cơ mất vốn trong khoản cho vay cầm cố bằng trái phiếu của Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy (Vinashin).
Ngày 20/04/2010, CFC ký hợp đồng tiền gửi liên ngân hàng với Công ty cho thuê tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ với số tiền 50 tỷ đồng, CFC nhận cầm cố bằng tài sản có tính rủi ro cao là 200 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu Vinashin. Qua nhiều lần gia hạn nợ, Công ty cho thuê tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ vẫn không có khả năng trả nợ cho CFC. Số nợ quá hạn cả gốc và lãi là gần 96 tỷ đồng.
CFC đã buộc phải xử lý tài sản bảo đảm là 200 tỷ trái phiếu Vinashin, chuyển tên sở hữu cho CFC với giá trị cấn trừ 19,1 tỷ đồng. Số trái phiếu này đã đến hạn thanh toán nhưng Vinashin không có khả năng trả nợ.
Trong thương vụ này, số tiền mà CFC chưa thu hồi trên sổ sách là hơn 78 tỷ đồng. Hiện, toàn bộ giá trị “trái phiếu” này hầu như không thể thu hồi, có nguy cơ mất vốn cho CFC.
Với hàng loạt vụ việc đầu tư gây rủi ro cho tài sản Nhà nước và đặc biệt là khoản đầu tư vào “công ty người nhà” Med Aid Công Minh gây mất vốn Nhà nước, rõ ràng cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét trách nhiệm của bộ máy quản trị, điều hành CFC, đặc biệt là ông Bùi Hồng Minh, người trực tiếp ra quyết định đối với các khoản đầu tư tai tiếng trên.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.
Ngày 31/8/2010, Công ty CFC và Công ty Med Aid Công Minh đã ký một hợp đồng tín dụng hạn mức. Theo đó, CFC cung cấp tín dụng cho Med Aid Công Minh số tiền 80 tỷ đồng để thanh toán các chi phí liên quan đến dự án Trung tâm ung bướu và y học hạt nhân bệnh viện 115, gồm chi phí xây dựng và chi phí mua sắm thiết bị.
Sau khi được CFC cho vay khoản tiền gần gấp đôi vốn điều lệ, Công ty Med Aid Công Minh cũng thực hiện cơ cấu lại bộ máy điều hành. Trong đó, ông Vũ Trung Thuận (người thân của ông Bùi Hồng Minh) về giữ chức Chủ tịch HĐQT và đại diện theo pháp luật của Công ty CP Med Aid Công Minh, ông Nguyễn Văn Đông, một người thân khác của ông Bùi Hồng Minh, giữ chức Tổng Giám đốc. Theo Hợp đồng mua bán nợ năm 2015 giữa CFC và Công ty quản lý, khai thác tài sản của các tổ chức tín dụng, tổng khoản nợ mà Med Aid Công Minh nợ CFC là hơn 93 tỷ đồng; giá trị tài sản đảm bảo chỉ còn lại giá trị là 73 tỷ đồng.
Công ty CFC chấp nhận bán khoản nợ trên với giá 80 tỷ đồng, nghĩa là chấp nhận thu về khoản tiền gốc đã cho Med Aid Công Minh vay và chấp nhận mất trắng hơn 13 tỷ đồng