Từ vận động đến tự hào sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam

15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, loạt giải pháp của Bộ Công Thương giúp người tiêu dùng ưa thích hàng Việt Nam.

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được đánh giá là một trong những cuộc vận động dài hơi và mang lại hiệu quả cao nhất trong 15 năm qua. Là một trong những cơ quan rất tích cực triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng triển khai Cuộc vận động 15 năm qua, xin ông cho biết, các giải pháp của Bộ Công Thương là gì và đã góp phần như thế nào trong thành công chung của Cuộc vận động?

Sau 15 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với sự nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp, sự tham gia của đông đảo các chủ thể từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân, Cuộc vận động đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng. Cuộc vận động mang ý nghĩa to lớn cả về nhiều mặt và mang lại những kết quả thiết thực, tích cực, góp phần khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp góp phần xây dựng nền kinh tế tự cường, tự lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Công Thương với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã tập trung bám sát chủ trương, đường lối của đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng và Chính phủ về triển khai Cuộc vận động. Bên cạnh đó, trong 15 năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai xuyết suốt và trọng tâm nhiệm vụ.

  

Từ vận động đến tự hào sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương (Ảnh: Cấn Dũng)

Cụ thể, hàng năm, Bộ đã ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động: Giao các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tăng cường triển khai lồng ghép thực hiện Cuộc vận động trong các nhiệm vụ chuyên môn. Thực hiện đồng bộ và hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014-2020 và 2021-2025 với 3 giải pháp trọng tâm:

Nhóm thứ nhất là giải pháp hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng. Bộ đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài Bộ xây dựng chuyên mục, chuyên trang “Tự hào hàng Việt Nam” “Tinh hoa hàng Việt Nam” trên các báo in, báo hình, báo hình, báo điện tử. Thông qua các nội dung tin, bài và các chương trình truyền thông của Đề án đã góp phần tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước từ đó ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, tổ chức Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên “Tự hào hàng Việt Nam” “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động. Tổ chức Chương trình vinh danh và trao giải thưởng cho các doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động nhằm phát hiện, tôn vinh và động viên kịp thời các doanh nhân và doanh nghiệp có hàng hóa thương hiệu Việt Nam đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động...

Thứ hai là nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững thông qua việc xây dựng mô hình về Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” tại các tỉnh/thành phố trên cả nước. Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa trình tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững

Thứ ba là nhóm giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam. Bộ Công Thương đã phối hợp Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, hiệp hội tổ chức lớp đào tạo, tư vấn kỹ năng bán hàng Việt Nam với với sự tham gia của nhiều thành phần, tầng lớp đến từ các doanh nghiệp. Với thông tin, kiến thức, kỹ năng được chọn lọc, thiết thực, các lớp đào tạo đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong việc vận dụng được kiến thức, kỹ năng trong hoạt động bán hàng, phân phối hàng hóa, kết nối cung - cầu, xây dựng thương hiệu vào quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình…

Từ vận động đến tự hào sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam
Doanh nghiệp Việt đồng hành sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam (Ảnh: Saigon Coop)

Vậy ông đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của doanh nghiệp sản xuất và phân phối bán lẻ trong thực hiện Cuộc vận động?

Bộ Công Thương đánh giá cao sự hỗ trợ và đồng hành của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua là những đơn vị tiên phong và rất tích cực triển khai các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Các doanh nghiệp, nhà sản xuất đã ngày càng quan tâm hơn đến việc xây dựng mạng lưới bán lẻ, cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng hàng hoá thâm nhập thị trường, tạo được sự chú ý và tác động đến xu hướng sử dụng hàng Việt của người dân ngày càng nhiều hơn.

Hiện nay sản phẩm hàng hóa Việt Nam được bày bán trong các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng bách hóa, hợp tác xã, hệ thống các siêu thị trong tỉnh. Hàng hóa Việt Nam từng bước chiếm được thị phần và đã tạo được sự tin cậy đối với người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp đã thường xuyên phối hợp, liên kết và hợp tác từ khâu sản xuất, phân phối, lưu thông và kinh doanh hàng hoá đến tay người tiêu dùng, tạo ra mạng lưới cung ứng hàng hoá bền vững và rộng khắp cả nước.

Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ hàng Việt Nam nói riêng đóng vai trò quan trọng góp phần đảm bảo hiệu quả trong sản xuất - lưu thông - kinh doanh thuận lợi từ đó tăng doanh thu và mở rộng hệ thống phân phối, góp phần phát triển thương mại trong nước, tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại và truyền thống.

Được biết, Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam đang được Bộ Công Thương triển khai mạnh trên cả nước nhằm hưởng ứng Cuộc vận động. Đây là hoạt động mang dấu ấn của Bộ Công Thương và đã được triển khai nhiều năm qua. Xin ông chia sẻ những điểm nổi bật của chương trình trong việc thực hiện Cuộc vận động?

Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” “Tinh hoa hàng Việt Nam” trong khuôn khổ Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động được Bộ Công Thương tổ chức thường niên trên quy mô toàn quốc với các hoạt động kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam với tinh thần lan tỏa chủ đề “Tự hào hàng Việt Nam” “Tinh hoa hàng Việt Nam”, các sản phẩm, thương hiệu Việt có thế mạnh, đạt chất lượng quốc gia và toàn cầu là điểm mới của Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam, chúng tôi mong rằng người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội thỏa sức mua sắm, tiêu dùng hàng Việt Nam có chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam uy tín.

Các hoạt động nổi bật của Chương trình mang tính cộng hưởng và lan tỏa tập trung các tỉnh, thành phố lớn. Chương trình có sự tham gia chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành trung ương và địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam trên toàn quốc với nhiều hàng hóa có thương hiệu uy tín, cùng hàng ngàn người dân tại các địa phương tham gia hưởng ứng Chương trình. Các hoạt động trải nghiệm các sản phẩm tinh hoa hàng Việt Nam được giới thiệu và nhận diện tại các khu trưng bày thu hút sự tham gia các các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam và các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên toàn quốc ưu tiên trưng bày các sản phẩm hàng Việt Nam thu hút người tiêu dùng mua sắm hàng Việt Nam giúp kết nối trực tiếp giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng Việt từ nhiều địa phương đến người tiêu dùng trong nước.

Thông qua các hoạt động của Chương trình góp phần tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước từ đó ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, đồng thời, vận động các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh dịch vụ Việt Nam nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với hàng hóa, dịch vụ làm ra, đầu tư đổi mới tư duy và công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến vào sản xuất, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, xây dựng thương hiệu Việt, củng cố và mở rộng các kênh phân phối hàng hóa sản xuất trong nước từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước.

Hàng Việt Nam đã và đang không chỉ khẳng định vai trò tại thị trường trong nước. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai những giải pháp ra sao để tăng cường hiệu quả của Cuộc vận động thời gian tới, để Cuộc vận động sẽ góp phần đưa thị trường trong nước trở thành tuyến phòng ngự, bệ đỡ vững chắc như lời Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao nhiệm vụ tại Gala 15 năm triển khai Cuộc vận động của ngành Công Thương?

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm bám sát chủ trương, đường lối của đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng và Chính phủ về thực hiện Cuộc vận động để xây dựng kế hoạch thực hiện Cuộc vận động hàng năm, đồng thời, phối hợp các Bộ, ngành, Hiệp hội đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, trong đó:

Tiếp tục đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các kênh phân phối trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định, ứng dụng công nghệ số vào chuỗi sản xuất – cung ứng hàng Việt Nam; phát triển thương mại điện tử hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống, phù hợp với các cam kết Việt Nam đã tham gia.

Quan tâm, chú trọng phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hoá, ổn định, bền vững, ưu tiên cho hàng Việt, theo hướng: phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống logistics...) và các loại hình thương mại hiện đại (cửa hàng tiện lợi, chuỗi nhượng quyền, outlet, thương mại kết hợp với du lịch, văn hóa,…) để đáp ứng nhu cầu và các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; xây dựng các bộ tiêu chí phát triển bền vững (ESG) hướng đến chuẩn mực quốc tế và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thương mại…

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá các sản phẩm Việt Nam có chất lượng, doanh nghiệp Việt Nam uy tín, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến Cuộc vận động.

Rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa, tạo thuận lợi hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa mang thương hiệu Việt.

Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

Lượt xem: 7
Tác giả: Phương Lan thực hiện
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.