Việt Nam xuất siêu sang UAE 3 tỷ USD
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE trong 8 tháng đầu năm ước đạt 3,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu 3 tỷ USD.
Theo Thương vụ Việt Nam tại UAE, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE trong 8 tháng đầu năm ước đạt 3,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu khoảng 3 tỷ USD.
Dù Việt Nam đang xuất siêu sang UAE, tuy nhiên Thương vụ Việt Nam tại UAE cũng khuyến cáo, UAE là thị trường mở nên có nhiều đối thủ cạnh tranh. Các nhà nhập khẩu luôn ép giá đối với các nhà xuất khẩu để có được mức giá thấp nhất. Bên cạnh đó, đây là nước hồi giáo, do đó các sản phẩm thực phẩm và đồ uống và nhiều sản phẩm khác cần có chứng nhận Halal…
Do vậy, để giữ được phong độ xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược xuất khẩu sang UAE phù hợp.
Đặc biệt, tình trạng lừa đảo tại UAE xảy ra rất phổ biến. Do đó, trước khi tiến hành hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp cần phải xác minh rõ đối tác. Khi đã hợp tác, cần chú ý đàm phán phương thức thanh toán đảm bảo an toàn nhất như mở LC. Không nên áp dụng phương thức thanh toán TT hoặc các phương thức thanh toán mà có nhiều rủi ro.
Tranh thủ vị trí cửa ngõ của Dubai kết nối được với hệ thống thương nhân và các doanh nghiệp logistics tại Dubai để đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Đông, châu Phi.
Với các đơn vị làm công tác xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại UAE đề xuất: Tăng cường việc tổ chức các diễn đàn thương mại và đầu tư có quy mô, có sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu của hai bên, cũng như có sự tham gia của các cơ quan quản lý thương mại và đầu tư của các địa phương để hai bên chia sẻ thông tin. Thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế về các ngành hàng tại Dubai để giới thiệu và quảng bá cho hàng hóa của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để tìm kiếm đối tác trên toàn thế giới.
Tăng cường kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp đối tác của UAE, mở mới hoặc hợp tác khai thác các tuyến vận tải hàng hóa trực tiếp giữa Việt Nam và Dubai. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh cước vận tải hàng hóa quốc tế tăng cao như hiện nay.
Những kết quả đạt được cũng là cơ sở để ngành Công Thương tự tin đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng khoảng 8% so với năm 2022, cán cân thương mại duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.178 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần tập trung các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu và các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết từ các FTA. Đặc biệt, cần phổ biến, hướng dẫn cho các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội từ thị trường nước ngoài.
Hương Anh (tổng hợp)