“Lỗ hổng” quản lý đất đai

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam 5 người nguyên là cán bộ tỉnh Bình Thuận để điều tra về việc giao đất năm 2017 nhưng lại tính tiền sử dụng đất theo năm 2013, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Trước đó, rất nhiều vụ tham nhũng liên quan đến đất đai đã được phanh phui, nhiều cán bộ công chức đã bị xử lý hình sự.

Theo các chuyên gia kinh tế và chuyên gia pháp luật thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng đất đai có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng từ "lỗ hổng" quản lý. Vì những “lỗ hổng” đó nên có những “thỏa thuận ngầm” để “biến” đất “vàng” của Nhà nước thành đất của cá nhân, doanh nghiệp thông qua chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Việc áp dụng các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập, dẫn tới thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước...

Ảnh minh họa / Vietnam+ 

Ngày 14-2, tại trụ sở Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã tổ chức hội nghị lần thứ 4.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Việc sửa đổi Luật Đất đai phải bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan; phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam. Việc điều chỉnh các quan hệ đất đai phải coi trọng hơn nữa vai trò của thị trường.

Các chính sách được ban hành không thể bao phủ toàn bộ các góc cạnh của cuộc sống nhưng cần tháo gỡ được những khó khăn, ách tắc trong thực tế cả về thể chế và khâu tổ chức thực hiện; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai theo hướng ai làm tốt hơn thì giao nhiệm vụ, cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực thực thi của các cấp và đội ngũ cán bộ, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp...

Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đất đai cũng là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.

Nhân dân đang hy vọng việc sửa đổi Luật Đất đai sắp tới sẽ góp phần “bịt” các “lỗ hổng” trong quản lý đất đai để đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Cử tri mong muốn, việc sửa đổi Luật Đất đai phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, đặt lợi ích của quốc gia-dân tộc lên trên hết.

ĐỖ PHÚ THỌ

Tags: qdnd
Lượt xem: 244
Tác giả: admin1
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết