An Giang: Hạn chế chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra
Thanh tra tỉnh An Giang đã có văn bản gửi giám đốc các sở, Trưởng Ban Dân tộc; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; chánh thanh tra sở, huyện, thị xã, thành phố về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2024.
Đảm bảo nội dung, có trọng tâm, trọng điểm
Theo Thanh tra tỉnh An Giang, mục tiêu, yêu cầu đặt ra là triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành; các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra.
Hoạt động thanh tra phải thực hiện đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trình tự, thủ tục pháp luật quy định, bảo đảm nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước của các cấp, ngành và phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Qua thanh tra phải kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém, thiếu sót trong quản lý Nhà nước. Có biện pháp xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực; kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật còn bất cập, sơ hở.
Bên cạnh đó, cần chú trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ ngày 6/6/2023 của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện xử lý vi phạm qua thanh tra.
Hạn chế tối đa sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Nâng cao năng lực và đổi mới cách thức chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát về cho Nhà nước.
Kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật, chấn chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra. Khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra.
Thanh tra lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm
Thanh tra các sở, Thanh tra Ban Dân tộc thanh tra hành chính đối với các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân độc lập trực thuộc. Bao gồm thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thủ trưởng các đơn vị và thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản, dự án đầu tư của các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Thanh tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của sở, Ban Dân tộc.
Thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, cải cách hành chính trong các cơ quan Nhà nước; thanh tra các vụ việc do Giám đốc sở, Trưởng Ban Dân tộc giao; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đối với thanh tra huyện, thị xã, thành phố, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, cần tập trung vào những nội dung quan trọng, lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm như: Dự án đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai; mua sắm tài sản công; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn thu phí, lệ phí…
Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND xã, phường, thị trấn, tập trung công tác quản lý sử dụng đất đai, xây dựng, mua sắm tài sản công, chương trình mục tiêu quốc gia…
Tiếp tục thanh tra chuyên đề về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, cải cách hành chính trong các cơ quan Nhà nước; thanh tra đột xuất và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố giao.
Thanh tra tỉnh An Giang yêu cầu Chánh Thanh tra sở, huyện, thị xã, thành phố tham mưu thủ trưởng đơn vị xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2024; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng ngành phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương.