Bài 2: Đẩy mạnh công tác thu hồi nợ

Để kiểm soát hiệu quả tỷ lệ nợ xấu, hệ thống ngân hàng thương mại đã thực hiện đồng bộ những biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo đảm việc cho vay tuân thủ các yêu cầu, tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn.

Trong đó vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng nhưng không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng theo quy định.

Quyết liệt kiểm soát chất lượng tín dụng

Xác định xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ ngoại bảng là hoạt động trọng tâm, xuyên suốt, trách nhiệm từ mọi cấp trong chỉ đạo, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) luôn thực hiện, bám sát tình hình thực tế trong dịch Covid-19. Nhờ đó, hệ thống Vietcombank vẫn vượt qua khó khăn, hoàn thành kế hoạch xử lý thu hồi nợ, bảo đảm các tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế (năm 2021, tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,63%; trích lập đủ 100% dự phòng rủi ro). Để đạt được kết quả trên, hệ thống Vietcombank đã chủ động, quyết liệt kiểm soát chất lượng tín dụng, bám sát khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ trong dịch Covid-19, phân loại khách hàng để có ứng xử phù hợp, hạn chế phát sinh nợ xấu, chủ động xử lý thu hồi. Vietcombank giám sát chặt chẽ danh mục khách hàng cơ cấu nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi bổ sung, chủ động, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro với nợ xấu, nợ có khả năng chuyển xấu, phân loại khách hàng vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn theo đúng tình trạng khoản nợ. 

Khách hàng có nhu cầu vay vốn được nhân viên Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng tư vấn đầy đủ các thủ tục, chính sách. Ảnh: SAO MAI 

Về công tác thu hồi nợ, Vietcombank luôn ưu tiên các giải pháp hỗ trợ khách hàng trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ (cơ cấu nợ), phương án trả nợ (giảm, miễn lãi vay), chia sẻ khó khăn với khách hàng trong dịch bệnh; các phương án thỏa thuận với khách hàng như: Thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả; hòa giải tại tòa để rút ngắn thời gian tố tụng... Hiện thực hóa các giải pháp này, Vietcombank tập trung phân loại khách hàng dựa trên thiện chí hợp tác và nguồn thu trả nợ của khách hàng để áp dụng biện pháp xử lý nợ phù hợp. Song song với các biện pháp phân loại khách hàng, Vietcombank tích cực áp dụng biện pháp bán nợ, đặc biệt là các khoản nợ lớn, phức tạp. Ưu điểm của biện pháp bán nợ là khoản nợ được xử lý dứt điểm và chuyển giao hoàn toàn cho bên mua nợ. 

Ông Nguyễn Huy Tài, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cho biết, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội như "làn gió mạnh" thổi vào quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Đồng hành với Nghị quyết số 42/2017/QH14, trong thời gian qua, SHB đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ như: Nâng cao hiệu quả xử lý, thu hồi nợ xấu nhưng luôn tuân thủ nguyên tắc không gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội; ưu tiên áp dụng các giải pháp thu nợ thông qua thuyết phục, động viên khách hàng hợp tác trả nợ, tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm để SHB chủ động xử lý. Đối với các khách hàng không hợp tác, ngân hàng sẽ phân tách tài sản thành các lớp để xử lý, hạn chế tối đa các tác động bất ổn cho trật tự xã hội trong triển khai hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm. SHB ưu tiên thực hiện thu giữ các tài sản đất trống, nhà trống hoặc các tài sản khác mà việc thu giữ không gây ảnh hưởng đến cuộc sống an sinh xã hội tối thiểu của chủ tài sản. 

Đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, Nghị quyết số 42/2017/QH14 là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ xấu, giúp các ngân hàng giải quyết "cục máu đông" tồn đọng từ thời kỳ khủng hoảng tài chính 2011-2013. Riêng tại Techcombank, từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực, hơn 70% các khoản nợ xấu được xử lý thông qua áp dụng nghị quyết này. Việc có thể xử lý được tài sản để thu hồi nợ theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 không chỉ giúp ngân hàng thu hồi nợ xấu, mà còn có tác động rất tích cực tới các khách hàng vay vốn của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng dao động ở mức 1-3%, như vậy 97-99% các khách hàng vay vốn là khách hàng tốt. Việc có thể sớm xử lý các khoản nợ xấu giúp chính sách cho vay, giá cả cho vay và thủ tục vay vốn đối với khách hàng được thiết kế phù hợp hơn rất nhiều.

Tạo điều kiện để xử lý nợ xấu 

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD. Điển hình là do tác động của dịch bệnh, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên các TCTD không thể giao dịch trực tiếp với khách hàng, dẫn tới gặp khó khăn trong hoạt động thu hồi nợ, mua bán nợ cũng như quá trình khởi kiện, đấu giá tài sản, thi hành án... Tại nhiều địa phương vẫn có tâm lý coi xử lý nợ xấu là việc của ngành ngân hàng nên lãnh đạo địa phương chưa quyết liệt; sự phối hợp thiếu đồng bộ của các cơ quan hữu quan trên địa bàn khiến việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc thu giữ tài sản bảo đảm của khách hàng còn khó khăn. Ngoài ra, thị trường mua bán nợ ở nước ta chưa phát triển do điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ khá phức tạp, yêu cầu về vốn cao; quy định hiện hành về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chưa quy định rõ đầu mối tạo lập, phát triển thị trường giao dịch mua bán nợ; đội ngũ môi giới mua, bán nợ chuyên nghiệp còn thiếu, do đó việc chuyển nhượng hoặc ủy thác quản lý các khoản nợ rất khó thực hiện... 

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong giai đoạn 2021-2025 thì Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương xử lý dứt điểm những vướng mắc chính trong quá trình triển khai; đẩy nhanh, thực chất tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực tài chính-quản trị, tạo điều kiện để hệ thống các TCTD xử lý nợ xấu. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ các tổ chức này trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu. Cuối cùng, TS Cấn Văn Lực đề xuất cần luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 để thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu, nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nợ xấu cao như hiện nay. 

Bà Kim-See Lim, Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) nhấn mạnh, việc đưa ra các biện pháp xử lý nợ xấu là ưu tiên cao của nhiều quốc gia. Từ các cuộc khủng hoảng trước kia, có thể thấy việc chuẩn bị tốt và hành động kịp thời là yếu tố then chốt để tránh lũy kế nợ xấu và bảo đảm cho sự khôi phục sau đại dịch.

(còn nữa)

NGUYỄN ANH VIỆT

Tags: qdnd
Lượt xem: 182
Tác giả: admin1
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.