Bài 3: Những mô hình chống nghiện mạng xã hội

Việc trẻ em tiếp xúc nhiều với thông tin xấu độc trên mạng xã hội (MXH) sẽ dần ảnh hưởng đến tính cách, cảm xúc, tư duy và hành động trong cuộc sống. Khi “độc” đã ngấm vào tư tưởng thì dù ít hay nhiều cũng sẽ gây ra những tổn thương về tâm hồn, trí tuệ cho trẻ và việc “giải độc” đang trở nên cấp thiết.

Đốm sáng hy vọng

Sau hai năm học tập tại Trường Phổ thông nội trú IVS thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, từ một đứa trẻ hư hay bỏ nhà đi bụi, em Đ.V.N đã biết quan tâm và nghe lời bố mẹ hơn. Tại trường IVS, em được các thầy cô dạy võ, dạy chữ, dạy kỹ năng sống và hiểu được những nông nổi của mình trước đây. Mẹ của Đ.V.N kể: “Vì công việc bận rộn, gia đình tôi thiếu quan tâm đến cháu. Đến lúc cháu cãi cha mẹ, thầy cô, bỏ nhà đi bụi chúng tôi đã tưởng mất con rồi. Giờ đây, chúng tôi mong cháu sẽ trưởng thành về nhận thức, hiểu hơn về các giá trị của cuộc sống tại trường IVS”.

Tiết học đàn của học sinh Trường Phổ thông nội trú IVS. 

Trường hợp như Đ.V.N vẫn chưa phải cá biệt của trường IVS. Chúng tôi đã thấy những vết xăm mình, những vết sẹo minh chứng cho sự từng trải của một số em ở đây. Cụm từ “học sinh đặc biệt” của trường IVS được hiểu bao gồm các nhóm như: Rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn nhân cách chống xã hội, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn lo âu, nghiện trò chơi trực tuyến, nghiện MXH. Trường IVS hiện có 4 cơ sở trên cả nước với tổng cộng hơn 1.000 học sinh, riêng cơ sở Bắc Ninh hiện dạy học cho khoảng gần 200 học sinh. Theo thầy Nguyễn Huy Hiệp, Tổng phụ trách Trường Phổ thông nội trú IVS cơ sở Bắc Ninh, ngoài nghiện games và MXH, hiện nay nhiều em dính vào các tệ nạn đánh bạc online, tiền ảo, sử dụng các chất kích thích. Dù quan ngại trước thực trạng trên nhưng thầy Nguyễn Huy Hiệp tự tin khẳng định: “Bệnh nào cũng có thuốc chữa. Quan trọng là chúng ta chữa bằng cách nào, khi nào và gia đình có hợp tác hay không? Tại đây, chúng tôi kết hợp dạy võ và dạy văn hóa, trong đó chú trọng vào dạy cách làm người cho các em. Năm học 2021-2022, có 50 em tại trường IVS tốt nghiệp cấp THPT, trong đó có học sinh trúng tuyển đại học với điểm số 24,5”.

Kể từ khi ra đời vào năm 2020, tổ chức cộng đồng CyberKid Vietnam luôn tổ chức tuyển tình nguyện viên, thành viên dự án lớp học “CyberSchool-Giải pháp dành cho nhà trường” vào hằng quý nhằm lan tỏa lớp học miễn phí về an toàn trên MXH cho học sinh trên toàn quốc. Trong quý 4-2022, dự án CyberSchool triển khai lớp học tại 6 tỉnh khu vực Trung Bộ và 4 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ. Đến nay, CyberSchool đã tổ chức được gần 800 lớp học trên 20 tỉnh, thành phố với sự tham gia của hơn 26.000 học sinh. Tham gia lớp học, các học sinh sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng sử dụng internet an toàn, hiệu quả; được cung cấp các thông tin và cách tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng.

Theo bà Lưu Thùy Anh, Giám đốc Giải pháp CyberSchool thuộc CyberKid Vietnam, qua khảo sát tại 80 trường tiểu học và THCS trên toàn quốc về thực trạng sử dụng MXH hiện nay thì có 80% trường không có quy định rõ về việc sử dụng internet của học sinh; 68% trường không có hoạt động cụ thể để nâng cao nhận thức tự bảo vệ mình trên không gian mạng của học sinh; 57% trường tin rằng cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là chỉ cho phép các em lên mạng khi có người lớn giám sát; 92% trường hoàn toàn ủng hộ tổ chức từ bên ngoài vào giúp phổ biến vấn đề an toàn trên không gian mạng tới cha mẹ, học sinh. “CyberKid Vietnam thiết kế một hệ sinh thái các giải pháp cho trẻ em với mục tiêu giúp các em thay đổi nhận thức và loại bỏ hoàn toàn những thói quen xấu khi dùng MXH. Trong đó, giải pháp CyberSchool sau gần hai năm triển khai đã đón nhận được rất nhiều sự yêu mến và trân trọng của các em học sinh cùng nhà trường. Lớp học đã giúp trẻ em được tiếp cận các kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân trên không gian mạng, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ một số em giải quyết các vấn đề khi sử dụng mạng xã hội mà các em đang gặp ngay trong thực tế”, bà Lưu Thùy Anh cho biết thêm.

Hướng trẻ em tới thông tin, hoạt động bổ ích

Gõ từ khóa “Trường Ca Kịch Viện” lên công cụ tìm kiếm Google, chúng tôi bất ngờ nhận được gần 12 triệu kết quả chỉ sau 0,4 giây. Càng ấn tượng hơn khi biết rằng, đây là dự án do các bạn trẻ là học sinh, sinh viên điều hành với mong muốn lan tỏa tình yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống tới cộng đồng. Truy cập trang web truongcakichvien.com, người xem như bước vào một thế giới của nghệ thuật truyền thống với những hình ảnh, bài viết giới thiệu sinh động về nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, hát văn, quan họ... Theo tìm hiểu được biết, trong 3 năm hoạt động, Trường Ca Kịch Viện nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng. Cụ thể, fanpage của dự án hiện có hơn 6.000 lượt theo dõi và hơn 100.000 lượt truy cập website.

Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, chị Bùi Yến Linh, Trưởng ban tổ chức của dự án “Trường Ca Kịch Viện" cho biết: “Nhiều trẻ em hiện nay truy cập MXH chủ yếu tìm kiếm những thông tin giải trí, tin tức giật gân mà ít quan tâm đến nghệ thuật truyền thống. Bởi vậy, chúng tôi muốn xây dựng “Trường Ca Kịch Viện” như một “bảo tàng” về nghệ thuật sân khấu nước nhà để giới trẻ tìm hiểu từ đó thêm yêu và tự vào về lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam”.

Gần 5 năm qua, hơn 270 phút phim của dự án “Việt sử kiêu hùng” trên YouTube đã truyền cảm hứng, niềm tự hào, tình yêu lịch sử Việt Nam tới cộng đồng. Những thước phim được thể hiện theo lối diễn họa mang đến sự mới lạ đã góp phần thay đổi cách nhìn của nhiều trẻ em và đông đảo mọi người đối với việc học lịch sử. Trong đó, có thể kể tới những tập phim thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi người, như: “Lý Thường Kiệt đại chiến Như Nguyệt giang”, “Bình Ngô đại chiến 1”... Ngoài ra, “Việt sử kiêu hùng” còn đón nhận sự quan tâm từ hàng triệu khán giả và là dự án có ảnh hưởng tích cực nhất đến cộng đồng tại Lễ trao giải Wechoice Awards 2020-Diệu kỳ Việt Nam do Công ty Cổ phần VCCorp tổ chức.

Ông Châu Thành Nhơn, phụ trách biên kịch và truyền thông của dự án “Việt sử kiêu hùng” cho biết: “Quan điểm của chúng tôi khi làm phim về đề tài lịch sử thì ngoài nội dung và trải nghiệm khi xem phim, điều đọng lại trong tâm trí khán giả là tình yêu lịch sử, yêu dân tộc Việt Nam. Thông điệp của chúng tôi là chia sẻ tri thức cũng như ngọn đuốc, mình không mất gì mà mọi người cùng được sáng. Đáng mừng thời gian qua, dự án đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt nhiều bạn trẻ đã xem những thước phim của dự án như là cách để học tập lịch sử”.

Bên cạnh việc định hướng thông tin bổ ích, việc tổ chức các hoạt động vui chơi thể thao, rèn luyện thể chất cũng là một trong những phương án hữu hiệu để trẻ em tránh xa sự cám dỗ của MXH, bước vào học tập với một tinh thần giàu năng lượng. Những năm qua, Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đã tổ chức nhiều giải đấu thể thao như: Bóng rổ, bóng đá, cờ, cầu lông... Điều đáng nói, những học sinh tham dự các giải thể thao kể trên đều phải đạt hạnh kiểm tốt trong năm học. Lý giải về điều này, thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thông qua các giải thể thao, chúng tôi thấy nhiều học sinh từ chỗ chưa ngoan trên lớp thì sau đó đã phấn đấu đạt hạnh kiểm tốt để được tham gia cùng đội. Có những học sinh dù chơi thể thao rất hay nhưng vẫn phải ngồi ngoài sân vì trong thời gian vừa qua chưa gương mẫu. Chính thể thao-môn chơi đồng đội, đã giúp các em có ý thức phải tự thay đổi mình. Những học sinh thường ngày khá nghịch, nhưng trên sân bóng lại mang đến hình ảnh rất đáng yêu, tạo ấn tượng tốt cho các bạn bè và thầy cô. Qua các giải thể thao, chúng tôi thấy các em trong trường đoàn kết hơn, tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm tốt tăng dần qua từng năm và là dịp để các em tạm quên đi những thú vui giải trí trên MXH”.

 

 “Hành xử trên MXH phải tuân thủ các nguyên tắc tôn trọng cá nhân, tổ chức và tuân thủ pháp luật. Những nguyên tắc này cần được cụ thể hóa thành những đồ họa thông tin dễ hiểu, dễ nhớ, ví dụ như nguyên tắc THINK (suy nghĩ) khi truy cập MXH. THINK có nghĩa là T = True (chia sẻ thông tin đúng); H = Helpful (chia sẻ những thông tin hữu ích); I = Inspire (chia sẻ những thông điệp truyền cảm hứng); N = Necessary (chia sẻ những thông tin cần thiết cho cộng đồng) và K=Kind (chia sẻ những thông tin tử tế)”

(PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục,

Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội)

 

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.