Bảo hiểm thất nghiệp cần bao phủ lao động phi chính thức

Nhiều cán bộ công đoàn đề xuất nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện trong Luật Việc làm (sửa đổi).

Bảo hiểm thất nghiệp cần bao phủ lao động phi chính thức

Cán bộ công đoàn đề xuất lái xe công nghệ được tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Bảo Hân

Mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp

Ông Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, mở rộng chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho lao động khu vực phi chính thức là một bước quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người lao động và góp phần phát triển thị trường lao động bền vững và công bằng hơn.

Theo ông Quang, hiện nay, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục triển khai các mô hình kinh tế mới, như kinh tế nền tảng công nghệ... làm xuất hiện nhóm người lao động mới (lao động công nghệ, lao động tự do trong nền kinh tế chia sẻ, lao động làm việc từ xa...). Tuy nhiên, nhóm lao động này chưa được xác nhận là đối tượng hưởng các chính sách và việc làm của họ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hơn nữa, ông Quang cho rằng, nhóm lao động này đa số là người lao động trẻ, có thu nhập tốt, vì vậy nếu thu hút được họ tham gia thì sẽ bảo đảm chế độ cho họ và mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, đây cũng là nhóm đối diện với nguy cơ cao về mất việc làm nên rất cần được hưởng các chế độ, chính sách về việc làm.

Ông Quang đề xuất các nhóm đối tượng chính cần hướng tới để mở rộng độ bao phủ chính sách bao gồm: Lao động làm công không có hợp đồng lao động; lao động di cư đến các đô thị; lao động làm việc trong các doanh nghiệp tập thể/hợp tác xã nông thôn; lao động làm việc trên nền tảng công nghệ và các trường hợp khác…

Ông Quang cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp có thể thiết kế dưới dạng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện. Theo đó, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện cũng được hưởng các quyền lợi tương tự như bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc, bao gồm trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm.

Mong được hưởng trợ cấp thất nghiệp để bớt khó khăn nếu mất việc

Trước thông tin đề xuất những trường hợp là lao động công nghệ được tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hình thức tự nguyện, chị Nguyễn Lệ Thủy (tên nhân vật đã thay đổi), nhân viên giao hàng của một ứng dụng giao hàng thông minh bày tỏ đồng tình, ủng hộ.

Chị Thủy làm nghề giao hàng từ năm 2017 đến nay, là lao động chính trong nhà. Hiện chị đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. “Tôi mong muốn được tham gia bảo hiểm thất nghiệp để nếu có bị mất việc thì có một khoản trợ cấp như những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khác. Như nhiều lao động trong lĩnh vực chính thức khác, chúng tôi cũng đối mặt với nguy cơ bị mất việc làm từ những lý do khác nhau” - nữ shipper sinh năm 1986 đề xuất.

Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013, người lao động thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo các loại hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc sau đây: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng; trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định nêu trên thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Hiện chưa có quy định nào về việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo diện tự nguyện.

Lượt xem: 5
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.