Bỏ sổ hộ khẩu: Người dễ dàng tiếp cận, người lúng túng cần sự hỗ trợ

Khi bỏ sổ hộ khẩu, phần lớn người dân dễ dàng tiếp cận, hoàn thành thủ tục một cách nhanh chóng, song vẫn còn người lúng túng cần sự hỗ trợ, hướng dẫn.

Ngày 13/1/2020, Quốc hội ban hành Luật Cư trú; Luật Cư trú có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021. Tại Khoản 3, Điều 38, Luật Cư trú quy định: "Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022".

Như vậy, kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng.

Vẫn còn người lúng túng khi làm thủ tục hành chính, dịch vụ công

Ngày 3/1, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của UBND quận Hoàn Kiếm và UBND phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội, nhiều người dân đến làm các thủ tục như đăng ký kết hôn, khai sinh cho con cái, khai tử cho người thân, đăng ký kinh doanh…

Anh Dương Đức Nghĩa (trú quận Hoàn Kiếm) cho biết, bản thân đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể. Anh chỉ cần mang theo căn cước công dân (CCCD) gắn chip và đăng nhập vào phần mềm quản lý doanh nghiệp và hộ cá thể của Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội thông qua hệ thống máy tính rồi điền các thông tin cần thiết theo hướng dẫn.

“Khi đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an, tôi chỉ cần gõ họ tên, số CCCD, mã số định danh điện tử thì các thông tin cá nhân được hiển thị một cách chính xác và nhanh chóng, giúp giảm bớt thời gian và các loại giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính”, anh Nghĩa chia sẻ.

Tuy nhiên, theo anh Nghĩa, một số thủ tục hiện nay vẫn chưa được kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên còn phải kê khai nhiều trường thông tin như việc đăng ký hộ kinh doanh cá thể.

Anh Nghĩa mong muốn, trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương sớm số hóa dữ liệu, kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, như vậy người dân, doanh nghiệp sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.

Cũng tại đây, chị Phạm Kim Chi cùng với chồng đến làm thủ tục đăng ký kết hôn, chọn quốc tịch cho con của mình. Chồng chị Chi là anh Allen Trevor, quốc tịch New Zealand. Với CCCD gắn chip và được sự hỗ trợ của cán bộ tiếp dân UBND quận Hoàn Kiếm, chị Phạm Kim Chi sớm hoàn thành hồ sơ thủ tục mà không cần phải mang theo sổ hộ khẩu giấy trong niềm vui mừng của hai vợ chồng.

Chính sách - Bỏ sổ hộ khẩu: Người dễ dàng tiếp cận, người lúng túng cần sự hỗ trợ

Công dân thực hiện các dịch vụ công trên môi trường điện tử.

Cũng giống như anh Nghĩa và chị Kim Chi, khi làm thủ tục hành chính, phần lớn người dân dễ dàng tiếp cận, hoàn thành thủ tục một cách nhanh chóng, song vẫn còn người lúng túng, cần sự hỗ trợ, hướng dẫn.

Ông T.H (50 tuổi) đến trụ sở UBND phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội để làm thủ tục khai tử cho người thân cho biết, có nắm được quy định về việc bỏ sổ hộ khẩu giấy nhưng ông vẫn mang theo sổ hộ khẩu để đi làm thủ tục "cho chắc".

Khi đến phòng giao dịch một cửa, ông H. tỏ ra lúng túng khi lần đầu tiếp cận thủ tục trực tuyến. Sau đó, cán bộ UBND phường đã hướng dẫn ông H. sang trụ sở Công an phường Dịch Vọng Hậu để xin cấp giấy xác nhận cư trú, nhằm thay thế cho sổ hộ khẩu đã hết giá trị sử dụng. Sau khi khai báo và được cấp giấy xác nhận, ông H. hoàn thành thủ tục và chờ trả kết quả.

Ông Nguyễn Việt Trung, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng cho biết, trước dấu mốc 1/1/2023 bỏ sổ hộ khẩu giấy, UBND phường đã tuyên truyền qua các kênh như qua loa, các nhóm mạng xã hội để người dân trên địa bàn phường nắm được chủ trương, thông tin về việc bỏ sổ hộ khẩu giấy trong các thủ tục hành chính.

Ở từng tổ dân phố với lực lượng Công an phường làm nòng cốt còn thành lập những nhóm, tổ tuyên truyền qua Zalo, Viber… hướng dẫn người dân cách thức xác thực nơi cư trú và đặc biệt là cài đặt app VNEID, tài khoản định danh điện tử ở hai cấp độ. Bên cạnh đó, UBND phường cũng chỉ đạo Công an phường rà soát kiểm tra xem trên địa bàn còn có trường hợp công dân nào đến tuổi, đủ tuổi mà chưa làm CCCD gắn chip để nhanh chóng cấp CCCD gắn chip phục vụ chuyển đổi số, bỏ sổ hộ khẩu…

Ông Trịnh Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Hiện nay, ở cấp phường có 21 thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu trong đó có 7 thủ tục về lĩnh vực thương binh xã hội, 14 thủ tục liên quan đến lĩnh vực tư pháp.

Trước đó, để làm tốt công tác phục vụ người dân, UBND quận đã tuyên truyền đến tất cả hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn quận nhất là các cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân về 7 phương thức xác nhận nơi cư trú thay thế cho sổ hộ khẩu giấy đã được Bộ Công an hướng dẫn.

Để phục vụ người dân đến làm thủ tục hành chính bỏ sổ hộ khẩu, UBND quận Hoàn Kiếm bố trí thêm cả đoàn thanh niên tham gia hỗ trợ, hướng dẫn người dân tự kê khai, đăng nhập vào tài khoản định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, các tờ hướng dẫn chi tiết theo hình thức “gạch đầu dòng”, “cầm tay chỉ việc” cũng được in ra, phát gửi tới từng người dân giúp họ có thể thực hiện được các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, dịch vụ công trực tuyến.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an Tp.Hà Nội cho biết: Công an Tp.Hà Nội không chỉ làm tốt vai trò thường trực, nòng cốt trong thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số mà còn ứng dụng mạnh mẽ, tiên phong đi đầu trong cải cách các thủ tục hành chính bỏ sổ hộ khẩu giấy phục vụ người dân, doanh nghiệp. Công an Thủ đô huy động mọi lực lượng, đơn vị tham gia vào các “chiến dịch” này để đạt hiệu quả cao nhất. Mới đây, riêng Đoàn Thanh niên Công an Tp.Hà Nội đã cùng với thanh niên tuổi trẻ Thủ đô triển khai xây dựng và thực hiện công trình thanh niên “hỗ trợ nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến”.

7 cách sử dụng thông tin của công dân thay cho sổ hộ khẩu

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện 1 trong 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Chính sách - Bỏ sổ hộ khẩu: Người dễ dàng tiếp cận, người lúng túng cần sự hỗ trợ (Hình 2).

1. Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú

Tại khoản 1 Điều 3, Điều 18 và Điều 20 Luật CCCD năm 2014 quy định, CCCD là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Khi công dân xuất trình thẻ CCCD theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về CCCD.

Các thông tin trên mặt thẻ CCCD gồm: Ảnh; Số thẻ CCCD (số định danh cá nhân); Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Quốc tịch; Quê quán; Nơi thường trú; Ngày, tháng, năm hết hạn; Đặc điểm nhân dạng; Vân tay; Ngày, tháng, năm cấp thẻ; Họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ.

2. Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chip

Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc QRCode (theo tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành) tích hợp với máy tính hoặc thiết bị di động để đọc thông tin công dân từ mã QRCode trên thẻ CCCD. Các thông tin gồm: Số CCCD; số CMND 9 số; Họ và tên; Ngày sinh; Giới tính; Nơi thường trú; Ngày cấp CCCD.

3. Sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD

Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc thông tin trong chíp trên thẻ CCCD phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… Thiết bị này do Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH nghiên cứu kết hợp sản xuất.

Hiện nay, Công an cấp huyện đã được trang cấp và đang sử dụng. Các thông tin gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Nơi thường trú; Họ, chữ đệm và tên của cha, mẹ, vợ hoặc chồng; Số chứng minh đã được cấp; Ngày cấp; Ngày hết hạn (của thẻ CCCD); Đặc điểm nhận dạng; ảnh chân dung; Trích chọn vân tay; Số thẻ CCCD (số định danh cá nhân).

4. Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư

Để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng cách: Bước 1: Công dân truy cập trang web dân cư quốc gia theo địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn.

Bước 2: Đăng nhập tài khoản/mật khẩu truy cập (sử dụng tài khoản Cổng DVC quốc gia); xác thực nhập mã OTP được hệ thống gửi về điện thoại.

Bước 3: Tại trang chủ, truy cập vào chức năng "Thông tin công dân" và nhập các thông tin theo yêu cầu: Họ tên, số định danh cá nhân, ngày sinh, số điện thoại, mã xác nhận. Sau đó, nhấn Tìm kiếm.

Bước 4: Thông tin cơ bản của công dân sẽ hiện thị trên màn hình gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Nơi thường trú; Số định danh cá nhân; Số chứng minh nhân dân.

5. Sử dụng ứng dụng VNeID

Thiết bị này hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ), bằng cách: Bước 1: Công dân đến cơ quan Công an đăng ký tài khoản mức 2; thực hiện cài đặt ứng dụng VNeID; thực hiện kích hoạt tài khoản trên thiết bị di động khi nhận được tin nhắn thông báo đăng ký tài khoản thành công theo các bước trong ứng dụng VNeID.

Bước 2: Sau khi được kích hoạt, việc sử dụng tài khoản định danh điện tử như sau: Công dân thực hiện đăng nhập một lần trên cổng dịch vụ công quốc gia (liên thông với cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương) với tên tài khoản là số định danh cá nhân và mật khẩu để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Tùy từng dịch vụ công trực tuyến, thông tin của công dân sẽ được điền vào biểu mẫu điện tử (Form), người dân không phải điền và không sửa được thông tin. Các thông tin (tùy theo dịch vụ) gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Nơi thường trú; Họ, chữ đệm và tên của cha, mẹ, vợ hoặc chồng; Số chứng minh đã được cấp; Ngày cấp; Ngày hết hạn (của thẻ CCCD); Đặc điểm nhận dạng; ảnh chân dung; Trích chọn vân tay; Số thẻ Căn cước công dân (số định danh cá nhân).

6. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú

Công dân trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết (Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú).

Cơ quan đăng ký cư trú sẽ cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân dưới hình thức văn bản hoặc văn bản điện tử theo yêu cầu của công dân. Giấy xác nhận thông tin về cư trú có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp và có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Cư trú xác nhận về việc khai báo cư trú.

Thời gian qua, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện tối đa cho công dân khi giải quyết thủ tục cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú để thực hiện thủ tục hành chính khi có yêu cầu.

7. Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư

Bộ Công an đã chỉ đạo thực hiện cấp Thông báo số định danh và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 100% người dân chưa được cấp CCCD trên toàn quốc để người dân sử dụng giải quyết các thủ tục hành chính, các giao dịch dân sự cần chứng minh nơi cư trú của công dân. Các thông tin trên Thông báo số định danh cá nhân có đầy đủ các thông tin như trên.

Tuệ Minh (tổng hợp)

Lượt xem: 9
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.