Cần cơ chế hấp dẫn để hút đầu tư công viên

Bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp các công viên hiện có, Hà Nội cũng đang tích cực triển khai xây dựng mới các công viên theo quy hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế hàng trăm hecta đất tại Hà Nội đã được quy hoạch làm công viên, hồ nước lại đang bị chậm tiến độ.

Năm 2014, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tổng kinh phí đầu tư xây dựng cho hệ thống cây xanh đô thị dự kiến khoảng trên 270.000 tỷ đồng với diện tích hơn 13.500ha.

Giai đoạn đến năm 2030, mức kinh phí đầu tư là trên 51.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là hơn 23.000 tỷ đồng và vốn xã hội hóa là trên 27.000 tỷ đồng. Trên thực tế, thời gian qua TP luôn quan tâm đầu tư nhằm cải tạo và xây dựng mới công viên, cây xanh theo quy hoạch.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống công viên, cây xanh chưa đa dạng mà chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách luôn hạn hẹp, khó khăn dẫn đến việc đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, cơ chế để thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội lại chưa thật sự hấp dẫn nên rất ít DN muốn đầu tư công trình phúc lợi như công viên, vườn hoa.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội Đồng Phước An cho hay, tiến độ xây dựng, cải tạo các công viên, vườn hoa đang phụ thuộc phần lớn vào đầu tư công với nguồn vốn lớn.

Lĩnh vực công viên cây xanh trong kế hoạch bố trí vốn trung hạn đang là 465 tỷ đồng cho 4 công viên, gồm cải tạo 3 công viên lớn của TP là Thủ Lệ, Bách Thảo, Thống Nhất và xây dựng mới Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông. Do đó, Ban đang kiến nghị, trong trường hợp vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 chưa bố trí đủ thì TP nên phân kỳ đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, phát triển không gian xanh trong đó có công viên, vườn hoa là vấn đề cấp bách của TP Hà Nội vì hiện nay chỉ tiêu về không gian xanh tính theo đầu người của Hà Nội còn rất thấp so với các đô thị khác. Trong khi mục tiêu đề ra dự kiến từ 12 - 15m2/người nhưng hiện nay khu vực nội thành chỉ đạt 5m2/người.

Từ năm 2013 khi HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 16/2013/NQ-HĐND khuyến khích đầu tư công viên theo hình thức xã hội hóa, vận dụng tối đa các quy định của pháp luật để ưu đãi với nhà đầu tư (đất đai, thuế, phí, kinh doanh dịch vụ).

 

Để thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng các công viên chuyên đề, TP cần công khai các quy hoạch chi tiết các công viên này. Đồng thời, thống kê phạm vi rộng hơn trên toàn TP để có bức tranh tổng thể về các công viên, vườn hoa cần đầu tư xây dựng, bởi đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Anh Quân

iai đoạn hiện nay, chủ trương này cần được tái khởi động với những giải pháp hiệu quả hơn.Cùng bàn về vấn đề này, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Trương Văn Quảng cho rằng, trong khi Nhà nước chưa đủ nguồn lực thì việc xã hội hóa để phát triển công viên, cây xanh, mặt nước là tốt.

Tuy nhiên, phải có một cơ chế hợp lý, đảm bảo được diện tích cây xanh mặt nước được xây dựng theo đúng quy hoạch, đồng thời đảm bảo được lợi ích cho nhà đầu tư. Có cơ chế, chính sách hợp lý để tạo sự đồng bộ, hài hòa lợi ích giữa các bên nhưng đồng thời phải tăng cường quản lý để tránh những biến tướng trong quá trình thực hiện. Bởi thực tế, tình trạng cắt xén diện tích trong quy hoạch cây xanh, mặt nước để xây các hạng mục nhằm thu lợi có thể diễn ra.

Khi đó, bản thân DN thì có lợi nhưng cộng đồng dân cư trong đô thị sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, còn lâu dài, đô thị sẽ phải đối mặt với sự phát triển không bền vững.
Huy động các nguồn lực từ cộng đồng

Công viên Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng

Công viên Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng

Một trong những chỉ tiêu quan trọng mà Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra là từ nay đến năm 2025 sẽ tiếp tục xây dựng, cải tạo hệ thống cây xanh, công viên, vuờn hoa và hồ nước theo quy hoạch.

Cụ thể, cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có, đầu tư xây mới 6 công viên gồm: Công viên Chu Văn An; Công viên CV1; Công viên hồ điều hòa Khu Đô thị Tây Nam Hà Nội; Công viên văn hóa Kim Quy; Công viên hồ Phùng Khoang; Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông. Đôn đốc triển khai 3 công viên, gồm: Công viên Thiên văn học, Công viên - hồ điều hòa Mai Dịch, Công viên Hữu Nghị.
Thông tin về tình hình triển khai 6 dự án công viên mới, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cả 6 dự án đều trong tình trạng chậm triển khai do tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, dự án Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông đến nay vẫn chưa lựa chọn chủ đầu tư. Dự án Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh) và Công viên hồ điều hòa Khu đô thị Tây Nam Hà Nội (quận Cầu Giấy) vẫn vướng thực hiện giải phóng mặt bằng. Trong 3 dự án đã khởi công xây dựng, Công viên hồ điều hòa CV1 (quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm), dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2022, song hiện gói thầu thi công xây dựng đạt 92% khối lượng và còn hơn 1.000m2 chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Dự án Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (huyện Thanh Trì) mới hoàn thành 80% khối lượng xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đến nay vẫn vướng 5% diện tích đất chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Tương tự, dự án Công viên hồ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân) khởi công năm 2016, dự kiến hoàn thành quý IV/2024, hiện đã đạt khoảng 80% hạng mục hồ điều hòa, làm đường dạo, rào chắn, trồng cây xanh...
KTS Lã Thị Kim Ngân – nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho hay, để đẩy nhanh công tác phát triển hệ thống công viên, cây xanh không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước. Sự tham gia của các DN, tập đoàn lớn có vị trí quan trọng, do đó, TP cần có chính sách kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào hệ thống công viên, cây xanh, kết hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí gắn liền với công viên.

“Hà Nội cũng đã từng rất thành công khi huy động nguồn lực từ các DN kè hồ hay chủ trương kêu gọi nguồn lực cho bổ sung phát triển cây xanh đường phố. Vì vậy cần xây dựng cơ chế huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng vào việc thực hiện quy hoạch công viên, cây xanh” - KTS Lã Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Để thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề tiên quyết là cơ chế phải đủ hấp dẫn. Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho rằng, hiện nhiều dự án công viên lớn bế tắc không thể triển khai là do cơ chế khó khăn. Việc thu hút xã hội hóa xây dựng công viên hiện nay chủ yếu trông chờ vào chỉ tiêu mật độ xây dựng của công viên là 5% và 15% đối với công viên chuyên đề.

Các nhà đầu tư sẽ được khai thác phần đất xây dựng này theo cơ chế thuê lại của Nhà nước, đổi lại nhà đầu tư xây dựng toàn bộ công viên và bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý. “Vấn đề đảm bảo lợi ích để nhằm huy động nhà đầu tư vào lĩnh vực xây dựng công viên nếu không được nhìn nhận, đề cập đến thì chưa biết đến bao giờ chúng ta mới thực hiện được các dự án” – ông Trần Đức Hoạt nêu. 

Xã hội hóa là xu hướng tất yếu trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển công viên, vườn hoa, cây xanh đô thị tại Hà Nội. Chủ trương này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tinh thần vì cộng đồng mà còn giảm thiểu đáng kể chi phí của Nhà nước. Chính sách ưu đãi dành cho DN đầu tư xây dựng công viên ngoài việc được khai thác, kinh doanh phần công trình xây dựng (mật độ xây dựng 5%), TP cần tính toán xây dựng thêm các ưu đãi khác như cho khai thác không gian ngầm, được thu phí dịch vụ vui chơi giải trí trong công viên, được khai thác thông tin quảng cáo xung quanh các công viên…
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam,
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Lượt xem: 19
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết