Chủ động trước chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu

Những ngày gần đây, vấn đề thuế suất tối thiểu toàn cầu đang là mối quan tâm đặc biệt. Đó là vì chính sách ưu đãi và giảm thuế để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt doanh nghiệp FDI lớn vào các dự án chiến lược tại Việt Nam sắp tới đây được dự báo sẽ giảm hiệu lực, khi mà thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.

Vậy thuế suất tối thiểu toàn cầu là gì?

Thuế suất tối thiểu toàn cầu nằm trong Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn tránh thuế toàn cầu (BEPS) có sự tham gia của 141 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Theo đó, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hằng năm từ 750 triệu euro (19.500 tỷ đồng) sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Nếu ở quốc gia đang đầu tư, doanh nghiệp được hưởng mức thuế thấp hơn mức 15% thì doanh nghiệp sẽ phải nộp phần thiếu hụt còn lại cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính để đủ mức thuế 15%. Dự kiến từ ngày 1-1-2024, một số quốc gia sẽ áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VCI-legal) 

Hiện nay, ưu đãi thuế của Việt Nam cho doanh nghiệp FDI phổ biến là ưu đãi thời gian miễn, giảm thuế đối với đầu tư mới, đầu tư mở rộng: Miễn 4 năm, giảm 9 năm; miễn 2 năm, giảm 4 năm... Một số tính toán cho thấy trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp mức phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các doanh nghiệp FDI trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài %. Khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì có thể một số tập đoàn lớn có cơ sở tại Việt Nam sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác-nơi họ có trụ sở chính, nếu mức thuế doanh nghiệp nộp chưa đến 15%. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế họ được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Cho dù nhiều nước khác cũng có thể bị tác động bởi chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu này đến thu hút đầu tư, nhưng rõ ràng là chính sách ưu đãi đầu tư của nước ta-một nước đang phát triển-sẽ bị giảm hiệu lực.

Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu không chỉ tác động đến thu hút các dự án mới mà còn tác động đến cả các dự án FDI đang hoạt động tại nước ta, đang trong thời kỳ hưởng chính sách ưu đãi; và có thể ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư của nhà đầu tư đang hoạt động. Tuy chịu ảnh hưởng chủ yếu là những nhà đầu tư lớn, nhưng rất có thể những nhà đầu tư FDI nhỏ cũng bị ảnh hưởng vì họ nằm trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, là một phần trong hoạt động kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia.

Tuy nhiên, ngoài tác động tiêu cực, thì tác động tích cực của chính sách thuế này là tạo cơ hội tăng thu ngân sách và hạn chế trốn tránh thuế, hạn chế tình trạng các quốc gia cạnh tranh thu hút đầu tư theo cách “đưa nhau xuống đáy”.

Vậy khi nào thì Việt Nam bị tác động bởi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu? Chính sách thuế này đã tác động đến thu hút đầu tư nước ngoài ngay từ bây giờ chứ không phải chờ đến ngày chính sách thuế này được các nước áp dụng. Bởi vì, ngay từ giờ các nhà đầu tư đã tính toán đến việc thực thi chính sách thuế này để quyết định đầu tư của mình cho năm nay và năm tiếp theo.

Trước tình hình hiện nay, Việt Nam cần nhanh chóng đánh giá để xác định mức độ bị tác động, bao gồm cả cơ hội và tác động tiêu cực. Cần nhanh chóng rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi và từ đó cần xác định chính xác phạm vi, mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực, đối tượng. Chỉ khi chúng ta xác định đầy đủ bức tranh tác động thì mới có thể có giải pháp phù hợp. Thách thức lớn nhất lúc này là áp lực thời gian. Thực tiễn cho thấy để tận dụng cơ hội hay hóa giải thách thức thì cần hành động chính sách, sửa đổi nội luật. Chúng ta chỉ có khoảng 10 tháng quý giá để hành động. Và trong việc này, Quốc hội, Chính phủ không thể làm một mình mà phải có sự đối thoại, hợp tác, tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí là cả hợp tác quốc tế giữa các quốc gia.

Quan trọng nhất bây giờ là hành động ngay, hành động nhanh chóng và quyết liệt.

 

Tags: Chính sách
Lượt xem: 21
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết