Củng cố lòng tin chiến lược Việt Nam - Lào

Chuyến thăm chính thức Lào của Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn diễn ra ngay trước thềm Đại hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AIPA 45) mà Lào là nước chủ nhà. Đây là cơ hội tốt để củng cố thêm lòng tin chiến lược, mở rộng hợp tác nghị viện giữa hai nước.

Củng cố lòng tin chiến lược Việt Nam - Lào

Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Quochoi.vn

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch AIPA Saysomphone Phomvihane, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Lào và tham dự Đại hội đồng AIPA 45 từ ngày 17 đến 19.10.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Lào trên cương vị mới nhằm cụ thể hóa thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước Việt Nam - Lào, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn dành ưu tiên cao nhất và coi trọng việc phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; đồng thời tăng cường sự tin cậy, gắn bó giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Chia sẻ với TTXVN về chuyến thăm Lào của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh: "Chuyến thăm không chỉ là cơ hội tốt để củng cố thêm lòng tin chiến lược, mở rộng hợp tác nghị viện giữa hai nước, mà còn thể hiện việc tiếp tục triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương; khẳng định vai trò của Quốc hội Việt Nam, chủ động, tích cực đóng góp thực chất vào nội dung của AIPA...".

Đại sứ Nguyễn Minh Tâm chia sẻ thêm, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tác động sâu sắc đến các nước, trong đó có Việt Nam và Lào, sự đoàn kết và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quốc hội Việt Nam và Lào là yếu tố khách quan, quy luật lịch sử, một trong những nguồn sức mạnh to lớn nhất và có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, góp phần giữ gìn và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Trong cuộc phỏng vấn với báo giới về chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà cho hay: "Việt Nam dự kiến đề xuất 4 sáng kiến/Nghị quyết tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA, Ủy ban Xã hội, Hội nghị Nữ Nghị sĩ AIPA, Ủy ban Kinh tế". Trong đó, có Nghị quyết về “Tăng cường vai trò của nghị sĩ trẻ ASEAN trong việc triển khai Tuyên bố Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 về thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”; Nghị quyết về “Tăng cường quyền, phúc lợi xã hội và cơ hội việc làm cho người cao tuổi trong khu vực ASEAN”; Nghị quyết về “Thúc đẩy xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong ASEAN”; Nghị quyết về “Nâng cao năng lực thể chế để kết nối giao thông, hàng không, cảng biển trong khu vực ASEAN”.

"Đoàn Việt Nam cùng xem xét đồng bảo trợ 6 nghị quyết; trong đó có 5 nghị quyết do Lào đề xuất, 1 nghị quyết do Indonesia, Lào và Malaysia đề xuất" - bà Lê Thu Hà nói thêm.

Những nghị quyết này bao gồm: Tăng cường vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy kết nối và phát triển hài hòa ASEAN thông qua hợp tác chính trị - an ninh; Vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy huy động vốn xanh cho phát triển hạ tầng bền vững hướng đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; Thúc đẩy vai trò của Nghị viện trong đổi mới y tế thông minh; Tăng cường sự quan tâm của các Nghị viện hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững, kết nối và hòa nhập; Trao quyền cho thanh niên trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN an toàn, bền vững và hòa nhập; vai trò của Nghị viện trong việc hỗ trợ thực hiện ASEAN hướng đến thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và lâm nghiệp.

Lượt xem: 3
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.