Đả thông nguồn lực địa phương để làm cao tốc

Việc giao địa phương thực hiện đầu tư dự án làm đường cao tốc không chỉ giúp giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước mà còn giúp chính các địa phương đả thông nguồn lực nội tại để phát triển.

Các địa phương cùng chung tay vào làm cao tốc.

Các địa phương cùng chung tay vào làm cao tốc.

Giảm pháp đột phá

Chủ trương giao địa phương làm cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, việc phân cấp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng quốc lộ, cao tốc đi qua tỉnh nào thì giao tỉnh đó làm chủ đầu tư còn Bộ GTVT chỉ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Đây được cho là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu phát triển 5.000km cao tốc đến năm 2030.

Việc phân cấp được xây dựng theo nguyên tắc phân cấp triệt để cho UBND các tỉnh có đề xuất đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý sau khi đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ GTVT. Dù từng có không ít hoài nghi về tính khả thi cũng như hiệu quả nhưng từ mô hình thành công tại tỉnh Quảng Ninh cũng như những thành công bước đầu khi triển khai thực hiện của nhiều địa phương, có thể thấy đây là hướng đi đầy triển vọng và tiềm năng.

Một trong những tuyến cao tốc đầu tiên được xây dựng mà địa phương sắm vai trò “chủ trì” là cao tốc Bắc Gang – Lạng Sơn. Tuyến cao tốc có chiều dài 64km  với tổng vốn đầu tư  12.189 tỉ đồng được xây dựng theo hình thức đối tác công – tư (PPP), hợp đồng BOT. Trong đó, UBND tỉnh Lạng Sơn là đối tác công, Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư. Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2020. Nối tiếp thành công của cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, nhiều địa phương đã chủ động xin làm đường cao tốc theo phương thức PPP, BOT. Có nhiều dự án đã và đang triển khai, trong đó, chính quyền địa phương có vai trò là cơ quan có thẩm quyền như Lạng Sơn (dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn), Tiền Giang (dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận), Cao Bằng (dự án BOT cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh)…

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 17/2022 phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, các địa phương đều được giao trọng trách “chủ trì” những dự án cao tốc đi qua địa phương.

Quyết định 17/2022 của Thủ tướng phân cấp vai trò chủ đầu tư 8 dự án đường cao tốc đầu tư công về UBND 14 tỉnh, thành. Trong đó, tiêu biểu như: Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (tổng mức đầu tư hơn 21,9 nghìn tỷ đồng), chia làm 3 dự án thành phần, phân cấp cho UBND tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa làm chủ đầu tư 2 đoạn, Bộ GTVT làm chủ đầu tư đoạn nối 2 tỉnh.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (tổng mức đầu tư hơn 44,6 nghìn tỷ đồng), chia làm 4 dự án thành phần, phân cấp vai trò chủ đầu tư cho UBND các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Nhiều địa phương chưa có kinh nghiệm quản lý các dự án cao tốc nên cần được hỗ trợ.

Nhiều địa phương chưa có kinh nghiệm quản lý các dự án cao tốc nên cần được hỗ trợ.

Vẫn cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương

Giới chuyên môn nhận định, việc giao cho các tỉnh, TP “chủ trì” làm cao tốc sẽ là một giải pháp đột phá để huy động nguồn lực địa phương vào xây dựng hạ tầng giao thông. Đặc biệt, khi được giao trọng trách, các địa phương phải phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm và sự chủ động của mình nhằm “đả thông” mọi nguồn lực mà mình đang có. Thành công từ mô hình tương tự mà tỉnh Quảng Ninh đã có trong thời gian qua chính là tấm gương “nhãn tiền” để học tập.

PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông (VARSI) nhận định, việc phân cấp  cho các địa phương thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án giao thông trọng điểm như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng vừa ban hành trong Quyết định 17/2022 là phù hợp và đúng đắn. Bởi với cách phân cấp đó, ở những dự án BOT, nhà đầu tư thực hiện trọn gói các công việc và chịu trách nhiệm, còn Nhà nước chịu trách nhiệm giám sát. Trong khi với dự án đầu tư công, chủ đầu tư phải thực hiện toàn bộ thủ tục, giám sát, nghiệm thu, chất lượng, tiến độ và hiệu quả dự án.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Chủng lưu ý rằng, riêng với các dự án giao thông trọng điểm sau khi phân cấp vai trò chủ đầu tư về địa phương, các bộ, ngành vẫn phải đồng hành và hỗ trợ thêm về kinh nghiệm cũng như năng lực quản lý. Bởi trong lĩnh vực này, nhiều địa phương còn hạn chế. “Các địa phương có thể thuê đơn vị, công ty chuyên nghiệp về tư vấn quản lý dự án” – ông Trần Chủng gợi ý và cho rằng đây là cách làm chuyên nghiệp, hiệu quả, tiết kiệm được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng.

PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phân cấp cho các địa phương thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án giao thông trọng điểm như đường cao tốc cho thấy mong muốn của Chính phủ là để tỉnh, TP cùng góp sức vào. Từ đó, giúp giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ.

Thế nhưng, theo chuyên gia kinh tế này, Chính phủ cần thận trọng khi giao địa phương làm chủ đầu tư dự án, nhất là những dự án trọng điểm, bởi họ vốn chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. “Hiện nay, nhiều địa phương chưa có kinh nghiệm để làm dự án trọng điểm quốc gia. Nếu không đảm bảo chất lượng sẽ rất nguy hiểm cho việc vận hành, khai thác sau này” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.

 

Việc phân cấp mạnh sẽ phát huy được tính tự chủ, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý, điều hành dự án; thuận lợi trong việc đảm bảo an ninh trật tự, ATGT; huy động lực lượng lao động của địa phương tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng. Bảo đảm nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, làm tốt hơn thì giao cho cấp đó.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Lượt xem: 79
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết