Đẩy mạnh liên kết để phát triển bền vững

Thời gian qua, định hướng và chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã được các địa phương nội vùng triển khai tích cực và đạt những thành quả đáng kể trong phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng cho thấy tính liên kết, vai trò động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đối với sự phát triển chung của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên còn khá hạn chế và mờ nhạt.

Liên kết vùng còn nhiều hạn chế

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đây là vùng có vị trí chiến lược về địa lý, kinh tế, chính trị, văn hóa và quốc phòng, an ninh. 

Hoạt động bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại cảng Chu Lai (tỉnh Quảng Nam). 

Trao đổi với chúng tôi, TS Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: “Những năm qua, các địa phương trong vùng đã chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, phát huy triệt để nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Nhờ đó, kinh tế của các địa phương trong vùng dần thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Tuy nhiên, quá trình phát triển thời gian qua cũng chỉ ra rằng, vai trò động lực, chức năng đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho sự phát triển chung của khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước còn khá hạn chế và mờ nhạt. Một trong những lý do chủ yếu là tiếp cận vùng trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng còn chưa rõ nét, tính liên kết trong phát triển giữa các địa phương nội vùng còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, hiệu quả liên kết chưa thật sự tốt, chưa lan tỏa để tạo tính kết nối và hỗ trợ trong phát triển nội bộ ngành, giữa các ngành, lĩnh vực khác nhau, nội vùng và ngoại vùng...”.

 Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập nhằm thực hiện vai trò là trung tâm động lực cho các tỉnh miền Trung nhưng thực tiễn phát triển thời gian qua cho thấy đang bộc lộ nhiều bất cập, nhất là tính liên kết và vai trò động lực của vùng. Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng, mặc dù thể chế phát triển vùng đã được ban hành song tính hiệu lực, hiệu quả thực thi còn thấp. Quy hoạch phát triển vùng thường làm sau quy hoạch của các tỉnh, thành phố và quy hoạch nhiều ngành, lĩnh vực dẫn đến tính tổng thể chưa cao, phân bổ chưa hợp lý. Quy hoạch vùng không kèm với cơ chế, cấp quản lý quy hoạch tương ứng, khiến khâu giám sát thực hiện quy hoạch cấp vùng gần như để ngỏ. Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của các địa phương vẫn đang theo quan điểm địa giới hành chính nên các định hướng phát triển ngành hay kết cấu hạ tầng chưa có sự thống nhất trên toàn vùng, dẫn đến đầu tư dàn trải, gây lãng phí và thiếu đồng bộ.

Thực tế, những hạn chế trong liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thể hiện rõ trên các lĩnh vực như: Thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng... Mặc dù vùng có 4 khu kinh tế, 19 khu công nghiệp nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ lại không phát triển. Các địa phương chưa tạo được sự hỗ trợ và bổ sung cần thiết cho nhau trong thu hút đầu tư. Hiện nay, các địa phương trong vùng đều có các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực, nhưng nhiều ngành, nghề đào tạo có sự chồng lấn, giống nhau trong các bậc học. Điều này có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút và đào tạo sinh viên. Bên cạnh đó, liên kết trong phát triển cơ sở hạ tầng vùng còn khá hạn chế. Thực tế, nhiều dự án cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia qua 5 địa phương nội vùng được phối hợp xây dựng và vận hành khá tốt. Tuy nhiên, 5 địa phương sở hữu đến 4 cảng hàng không và 5 cảng biển có thể dẫn đến tình trạng suy giảm hiệu quả đầu tư...

Tháo gỡ những khó khăn, nút thắt

Liên kết vùng để phát triển kinh tế bền vững là yêu cầu cấp thiết nhưng đến nay vẫn còn không ít những nút thắt về thể chế chưa được tháo gỡ như: Thiếu chính sách vùng, quy hoạch vùng còn mang nặng tính hình thức, thiếu cơ chế tổ chức và hoạt động cho hội đồng vùng... TS Lâm Bá Hòa (Trường Đại học Kinh tế-Đại học Đà Nẵng) cho rằng, về mặt thể chế, liên kết vùng phải lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng. Bởi vậy, công tác quy hoạch vùng cần được Chính phủ và chính quyền các địa phương đặt lên hàng đầu trong chính sách phát triển nhằm bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, không cầu toàn, có kế thừa những kết quả và thực tiễn tốt trong giai đoạn trước; ưu tiên cao nhất lợi ích của quốc gia, của toàn vùng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng thời phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng...

Trong bối cảnh hiện nay, vùng không phải là một đơn vị hành chính hay một khu vực hành chính, đồng thời vùng cũng không phải là phép cộng đơn thuần của các đơn vị hành chính. Do vậy, Ths Bùi Duy Hoàng (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất: Cần phải hoàn thiện thể chế đối với hội đồng vùng để vùng có tính tự chủ và tăng cường khả năng phối hợp hoạt động của các địa phương trong vùng thông qua ban chỉ đạo và hội đồng vùng như đã quy định. Cụ thể, khi lập quy hoạch tổng thể KT-XH về vùng cần phân định những vấn đề mang tính chung (không thuộc phạm vi một tỉnh, thành phố, ví dụ như vấn đề chống ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, giao thông), hoặc các dự án do bộ, ngành quản lý có liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố, hoặc nó có vị trí địa lý giáp ranh, liên hợp của hai hay nhiều tỉnh, thành phố (cùng chung vùng tiếp giáp)... thì thuộc quyền điều hành, quản lý, giám sát của hội đồng vùng. Đối với hội đồng vùng, Chính phủ căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ để thành lập hội đồng vùng. Chủ tịch hội đồng vùng và thành viên giúp việc là chuyên trách, không kiêm nhiệm. Vì nếu kiêm nhiệm thì rất khó trong vấn đề chỉ đạo điều hành do vướng Luật Cán bộ, công chức và Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương... Đối với vai trò của hội đồng vùng là chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và quản lý nội dung đã được quy hoạch vùng xác lập và phân công cho hội đồng vùng trực tiếp quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội. Thời gian (nhiệm kỳ) của hội đồng vùng tương ứng với thời gian (thời kỳ) của quy hoạch tổng thể KT-XH đã được phê duyệt.

Để tăng cường liên kết, phát triển bền vững, Trung ương và các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần định hướng lại việc phát triển nguồn nhân lực. Phát triển nguồn nhân lực bậc cao nên được thực hiện ở cấp vùng hơn là cấp tỉnh. Theo đó, giáo dục bậc đại học trở lên nên chuyên môn hóa cho các đại học vùng, bởi lẽ nguồn lao động chất lượng cao có thể di chuyển dễ dàng giữa những địa phương lân cận với nhau để tham gia các hoạt động kinh tế. Trung ương nên tập trung phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên theo mô hình đại học quốc gia tại miền Trung. Có thể phát triển Đại học Huế, Đại học Quy Nhơn theo mô hình đại học vùng trọng điểm cung cấp nhân lực chất lượng cao cho tiểu vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ...

Tháo gỡ những nút thắt trong liên kết phát triển của vùng, tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống từ Trung ương đến các địa phương trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát huy hiệu quả, sức mạnh của liên kết vùng.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG

 

Tags: qdnd
Lượt xem: 67
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.