Để khách du lịch chi tiêu nhiều hơn khi đến Thủ đô
Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, bên cạnh giải pháp thu hút khách đến Hà Nội, việc kích cầu chi tiêu của du khách đang được ngành Du lịch Thủ đô đặt ra.
Tăng cường giải pháp tăng thời gian lưu trú của khách
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, 8 tháng đầu năm, ngành du lịch Hà Nội đón 16,9 triệu lượt khách du lịch, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2,79 triệu lượt khách, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa ước đạt 14,1 triệu lượt khách, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 61,6 nghìn tỷ đồng, tăng 63,1% với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt khoảng 41,2%, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2021. 8 tháng đầu năm 2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 61,4%, tăng 28,5% so với cùng kỳ. Như vậy, việc lưu trú của khách đã từng bước tăng lên do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, lượng khách đến và lưu trú tại Hà Nội đã tăng trưởng.
Theo Bnews, Hà Nội vốn là điểm trung chuyển đi các tỉnh phía Bắc. Khách du lịch thường lưu trú ở Thủ đô một số ngày rồi tiếp tục hành trình đến các tỉnh, thành phố khác. Nhiều năm trước, vấn đề Hà Nội không “níu giữ” được khách lưu trú dài ngày vẫn thường đặt ra, do họ đến Thủ đô chỉ tạm dừng chân trong ngày hoặc đi thẳng đến Hạ Long, SaPa.
Thực tế này đã cải thiện song việc kéo dài thời gian lưu trú, kích thích chi tiêu của du khách để tăng tổng thu du lịch vẫn được tính đến.
Hiện, thành phố đang thúc đẩy nhiều giải pháp thu hút khách đến Hà Nội, tăng thời gian lưu trú của du khách. Trong đó, ngành Du lịch tập trung phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng cao như: Du lịch golf, du lịch sông Hồng, du lịch đêm, du lịch ẩm thực, du lịch mùa Thu...
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho biết, hiện đang là thời điểm thuận lợi đón khách quốc tế vào Việt Nam, ngành Du lịch Thủ đô cần tập trung xây dựng những sản phẩm đặc sắc, tổ chức sự kiện mới. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Nguồn thu từ việc đón khách quốc tế cao hơn nhiều so với thị trường nội địa, do vậy, cần tập trung thu hút nguồn khách này.
Các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch mong muốn thành phố tập trung vào công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh điểm, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm để thu hút khách đến Thủ đô. Bởi thực tế, công tác quảng bá điểm đến tại các thị trường quốc tế của Hà Nội chưa được đầu tư nhiều, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý du lịch cũng như doanh nghiệp lữ hành để doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch đón khách.
Kích cầu khả năng chi tiêu của khách du lịch
Theo báo Lao Động, mua sắm hàng hóa tại các điểm đến là nhu cầu của hầu hết khách du lịch. Có thể là những sản vật địa phương, đồ lưu niệm, thời trang, hóa mỹ phẩm và các mặt hàng tiêu dùng khác. Vì thế, loại hình du lịch mua sắm ra đời, thu hút rất nhiều khách quan tâm.
Nhiều nước trong khu vực đã tổ chức rất tốt loại hình du lịch này như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... Khả năng kích thích mua sắm hàng hóa của du khách đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của địa phương hay của quốc gia.
Học tập kinh nghiệm từ các nước trên, những năm gần đây, Hà Nội cũng rất chú trọng tới việc kích thích khả năng chi tiêu cho khách.
Các quận, huyện, thị xã cũng như các doanh nghiệp du lịch, thương mại quan tâm đến việc tổ chức hệ thống các dịch vụ phục vụ khách, kinh doanh sản phẩm hàng hóa dành cho khách. Tuy nhiên, khả năng tổ chức, kinh doanh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún.
Tính đến thời điểm này, Sở Du lịch đã công nhận các cơ sở đăng ký đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 51 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 9 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch bước đầu đã thu hút, phục vụ đông lượng du khách và người dân đến tham quan, mua sắm.
Riêng đối với các mặt hàng nông sản của Hà Nội, Thành phố đã công nhận hơn 2.000 sản phẩm OCOP, chiếm khoảng 22% của cả nước. Đây là nguồn hàng phục vụ khách du lịch rất tiềm năng, song, thời gian qua, các địa phương chưa thúc đẩy tiêu thụ qua kênh du lịch được nhiều.
Trao đổi với Bnews, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hà Nội - Hanoi Tourism, cho rằng, thành phố chưa có điểm tập trung bán hàng OCOP chất lượng. Do đó, các doanh nghiệp chưa thể đưa khách du lịch đến mua sắm những mặt hàng này. Thành phố đã quy hoạch khu Outlet trên tuyến đường ra sân bay Nội Bài, thuộc huyện Sóc Sơn. Tại đây có thể tập hợp các sản phẩm OCOP chất lượng tốt phục vụ khách du lịch.
“Trong hành trình du lịch, khách thường quan tâm đến việc được trải nghiệm những chương trình khác lạ, mua sắm những thứ khác lạ. Đây là yếu tố thuận lợi để Hà Nội đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa cho khách”, bà Nhữ Thị Ngần cho biết.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian này, thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ để tranh thủ được chính sách mới của Chính phủ nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế. Hà Nội sẽ cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; đề xuất giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa, khai thác hiệu quả thị trường khách quốc tế đến Thủ đô.
Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam như cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch và dịch vụ liên quan phục vụ khách du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực...
Minh Hoa (t/h)