Đề xuất 6 trường hợp ngân hàng bị đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt”

Dự thảo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi quy định theo hướng giao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt.

Article thumbnail
SCB - ngân hàng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Ảnh: Đ.X

Ngày 15/1, Quốc hội khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5. Một trong 4 nội dung được xem xét, thảo luận tại kỳ họp lần này là Dự thảo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi.

Thủ tướng quyết cho vay lãi suất 0% với ngân hàng kiểm soát đặc biệt

Với quy định về kiểm soát đặc biệt, Ủy ban Thường vụ tiếp thu các ý kiến theo hướng giao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt.

Dự thảo luật quy định rõ 6 trường hợp ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, đó là:

1. Tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có phương án khắc phục gửi Ngân hàng Nhà nước hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước;

2. Trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án khắc phục;

3. Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà tổ chức tín dụng không khắc phục được tình trạng cần can thiệp sớm;

4. Bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng;

5. Tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng thấp hơn 04% trong thời gian 06 tháng liên tục;

6. Tổ chức tín dụng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.

Trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Nội dung nữa, theo luật hiện hành, Thủ tướng quyết định cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Các trường hợp đề nghị vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm là các trường hợp đặc biệt, quan trọng cần phải có sự phối hợp của các cơ quan liên quan (như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...).

“Ngân hàng Nhà nước vừa có vai trò của ngân hàng Trung ương, vừa là thành viên Chính phủ. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất để Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay không có tài sản bảo đảm và/hoặc cho vay có lãi suất 0% là cần thiết và hợp lý”, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp thu các ý kiến đại biểu, cơ quan thường trực của Quốc hội chỉnh lý dự thảo luật theo hướng: Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất và có tài sản bảo đảm đối với ngân hàng. Mức lãi suất, tài sản bảo đảm của khoản cho vay đặc biệt theo quy định của Thống đốc.

Ngân hàng hợp tác xã quyết định cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân từ quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Việc cho vay đặc biệt với lãi suất là 0%/năm, không có tài sản bảo đảm đối với quỹ tín dụng nhân dân thực hiện theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Hợp tác xã.

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tín dụng khác quyết định cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm đối với ngân hàng trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.

Giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông để hạn chế chi phối ngân hàng

Theo dự thảo luật, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%. Giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cả số cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Quy định về tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức tại ngân hàng được giữ nguyên như dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023.

Cổ đông sáng lập phải giữ tối thiểu 50% vốn điều lệ của ngân hàng trong 5 năm từ ngày nhà băng được thành lập. Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của ngân hàng. Chính phủ sẽ quy định mức sở hữu tối đa, điều kiện mua của nhà đầu tư ngoại.

Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần với tổ chức xuống 10%. Bởi, giảm tỷ lệ này có thể gây xáo trộn không cần thiết, thậm chí tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Tuy nhiên, cơ quan thường trực Quốc hội nêu quan điểm việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ đông sẽ giúp tăng số lượng các cổ đông, tăng tính đại chúng cũng như đa dạng cơ cấu cổ đông của các tổ chức tín dụng.

Điều này cũng phù hợp với định hướng đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025 để hạn chế chi phối, thâu tóm, bảo đảm tính đại chúng của tổ chức tín dụng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2023 có 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng thương mại cổ phần, một công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%.

Để tránh sự xáo trộn không cần thiết cũng như tác động tiêu cực như ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật lần này đưa ra điều khoản chuyển tiếp.

Cụ thể, từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần được tiếp tục duy trì cổ phần, nhưng không được tăng thêm cổ phần, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều, chỉnh lý nhiều điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6).