Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online: Lợi bất cập hại?

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với game online đang là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2023 mới đây, đại diện Bộ Tài chính đã giải đáp các vấn đề báo chí đặt ra về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Trong đó, một số ý kiến băn khoăn về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến (game online).

Trả lời vấn đề này, ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, cho biết Bộ Tài chính đang xin ý kiến về "đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi)", chưa phải là dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Việc xây dựng đề nghị là theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại đề nghị này, ông Tuấn cho biết Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi một số nhóm nội dung trong Luật Thuế TTĐB, xem xét mở rộng cơ sở thuế, củng cố nguồn thu ngân sách. Trong đó, đặt vấn đề bổ sung một số nhóm đối tượng vào diện chịu thuế TTĐB.

Ông Trương Bá Tuấn nhấn mạnh hiện đề nghị này đang xin ý kiến các bộ ngành, địa phương, các bên liên quan để hoàn thiện đề nghị trình Chính phủ, trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng Luật.

Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến của các bên liên quan trong quá trình hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật. Lãnh đạo Vụ Chính sách thuế cũng nhấn mạnh các chính sách thuế khi đưa ra đều được lấy ý kiến, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, thấu đáo.

Nhiều quốc gia chưa đánh thuế TTĐB với game online

Về đề xuất áp thuế TTĐB đối với game online, theo Bộ Tài chính, đây là loại hình giải trí gắn liền với sự phát triển của Internet, có tính tương tác giữa người chơi với máy chủ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, thông qua thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, máy chơi game và thiết bị di động.

Đề xuất cho rằng trò chơi điện tử tạo ra doanh thu, lợi nhuận lớn so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút sự tham gia của mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB để định hướng tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa trò chơi điện tử vào nhóm không có lợi cho sức khỏe cần có thêm những nghiên cứu, bằng chứng khoa học.

Kinh tế - Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online: Lợi bất cập hại?

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, nhận định trong xã hội hiện có nhiều quan điểm khác nhau về game online. 

Cụ thể, tại hội thảo Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về Đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, nhận định trong xã hội hiện có nhiều quan điểm khác nhau về game online. Do đó, cần có đánh giá nhiều chiều, tác động nhiều mặt khi quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.

Ví dụ, nhiều người định kiến game online là lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến trẻ em, ít vận động. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhận định nhiều trò chơi hiện nay đang được xây dựng theo hướng vừa chơi vừa học. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chơi game giúp trẻ em phát triển trí tưởng tượng tư duy, khả năng phản xạ.

"Do vậy cần có đánh giá nhiều chiều, tác động nhiều mặt khi quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online", ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng Trung Quốc hiện đã có hướng dẫn rõ ràng về độ tuổi được chơi game, cũng như thời gian mỗi tuần trẻ em có thể chơi. Singapore không đánh thuế toàn bộ, nhưng với các game có yếu tố đánh bạc thì áp mức thuế cao. Đối với Thái Lan, thuế lại được áp với các nền tảng kỹ thuật số thu phí.

"Như vậy, đa số quốc gia hiện nay chưa đánh thuế, nhưng vẫn có hướng dẫn, cơ chế chính sách để điều tiết hành vi người tiêu dùng", ông Cấn Văn Lực cho biết.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng cần có nghiên cứu và bằng chứng khoa học để thấy game online có thể ảnh hưởng sức khỏe tới mức cần can thiệp, như vậy mới có thể có căn cứ để áp thuế TTĐB. Nếu chưa đến mức đó, hoàn toàn có thể dùng các công cụ khác để hạn chế.

"Ngay cả khi chứng minh được sự cần thiết để nhà nước can thiệp bằng công cụ thuế TTĐB, cũng phải trả lời câu hỏi là tác động chúng ta mong muốn, mục tiêu đặt ra có đạt hay không? Chi phí, tác động xã hội như thế nào? Nếu lợi ích đạt được quá nhỏ, còn tác động không tích cực lại quá lớn thì theo tôi không nên áp dụng", ông Phan Đức Hiếu chia sẻ.

Doanh nghiệp lo… “bảo hộ ngược”

Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến VNG - đại diện các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ game online, bày tỏ, cũng giống như phim ảnh, nghệ thuật, trò chơi trực tuyến là một phần của ngành công nghiệp giải trí, sáng tạo nội dung.

Ở các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp và nhiều nước khác, trò chơi trực tuyến không chỉ được thừa nhận như là một ngành kinh tế quan trọng, mà còn được xác định là mũi nhọn để xuất khẩu văn hoá ra thế giới.

Tại Việt Nam, game là một ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn phát hành chính thống đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cụ thể là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT). Đồng thời, khi đưa ra thị trường, trò chơi trực tuyến được cấp phép luôn có sự phân loại độ tuổi rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng. Hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.

Vì vậy, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt, những game do công ty trong nước cung cấp sẽ bị đội giá lên cao. Người chơi sẽ chuyển sang chơi game do các công ty có trụ sở ở nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vì có giá rẻ hơn. Như vậy, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online không đạt mục tiêu hạn chế người chơi, đồng thời dòng tiền bị "chảy" ra nước ngoài.

“Việc này có 2 hệ lụy, thứ nhất là không đạt được mục đích khi áp thuế là hạn chế người chơi game, thứ hai là doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước, hoạt động phù hợp với luật pháp Việt Nam sẽ giảm mạnh, không thể đóng góp cho nền kinh tế số và ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam như kỳ vọng của Chính phủ", ông Lã Xuân Thắng nhận định.

Bà Nguyễn Thùy Dung, Giám đốc SohaGame thông tin thêm, các doanh nghiệp phát hành game trong nước có nhiều chi phí như bản quyền game của nhà phát triển, phí duy trì dịch vụ, thanh toán, vận hành, chăm sóc khách hàng...

"Phần lớn dự án trò chơi được phát hành cần tối thiểu một năm (hoặc vài năm nếu là dự án đầu tư lớn) để hòa vốn trước khi có lãi. Trên thực tế, lợi nhuận sau khi trừ chi phí thu được không hề lớn trong điều kiện kinh doanh thuận lợi”, bà Nguyễn Thùy Dung cho biết.

Ông Dương Trường Minh, Giám đốc trung tâm GBC của GosuGamer cho rằng các công ty game tại Việt Nam đang phải đóng các khoản như thuế giá trị gia tăng (10%), thuế thu nhập doanh nghiệp (20%) và thuế nhà thầu (10%) khi hợp tác với công ty nước ngoài.

Nếu áp dụng thuế TTĐB cho game online, ông Dương Trường Minh nêu lên một số hệ quả như tăng giá game, người dùng giảm, thúc đẩy việc sử dụng phần mềm trái phép.

Trong một hội thảo mới đây liên quan đến việc thanh toán của game online do Bộ TT&TT tổ chức, ông Lê Quang Tự Do, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, nước ta hiện có hơn 220 doanh nghiệp game được cấp giấy phép. Tuy nhiên, số doanh nghiệp còn thực sự hoạt động, cung cấp game ra thị trường chỉ còn khoảng 30. Các doanh nghiệp còn lại đang thoi thóp vì không thể cạnh tranh với game từ các nhà cung cấp nước ngoài, do các doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, còn game nước ngoài thì cung cấp xuyên biên giới.

Trong năm 2022, ước doanh thu trong lĩnh vực game ở nước ta là hơn 500 triệu USD, tuy nhiên game không phép chiếm tới 30%, chủ yếu cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam qua 2 store là Apple và Google, gây thất thu thuế cho Nhà nước, khoảng 5.000 tỷ đồng không phải đóng thuế.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội, cũng cho rằng nếu đánh thuế TTĐB với game online để hạn chế người dùng chơi game sẽ không hiệu quả, bởi người chơi hoàn toàn có thể ngồi ở Việt Nam nhưng chơi game của các nhà cung cấp không phải trong nước. Đây là điểm khác biệt giữa ngành kinh doanh dịch vụ game và nhiều sản phẩm khác cũng đang chịu thuế TTĐB.

Nhiều đại diện ở hội thảo cho rằng nếu áp thuế TTĐB với game online, người chơi hoàn toàn có thể chuyển sang các game do doanh nghiệp nước ngoài phát hành xuyên biên giới tại Việt Nam. Như vậy, mục tiêu hạn chế chơi game vừa không đạt được, vừa gây tác động ngược, tiêu cực đối với doanh nghiệp Việt.

“Game không phép, game xấu đang tạo ra các ảnh hưởng xấu vẫn hoạt động tại Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các game tốt được cấp phép. Nếu tiếp tục chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì thị trường game tốt sẽ bị thu hẹp, giống như chúng ta bảo hộ ngược, tạo điều kiện cho game xấu, game lậu có mảnh đất màu mỡ phát triển.

Như vậy, vô hình trung tiếp tục đẩy nhà phát hành game Việt chuyển hướng ra nước ngoài để hưởng ưu đãi", ông Lê Xuân Hòa, Phó chủ tịch VINASA nhận định.

“Cũng là dịch vụ game khi triển khai ở Việt Nam có nhiều thủ tục hành chính, hệ thống giấy phép buộc doanh nghiệp phải tuân thủ. Trong khi đó, chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý dịch vụ xuyên biên giới... Chúng tôi khuyến nghị không đưa game online vào danh mục áp thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) nói.

Minh Hoa (t/h theo Zing, Người Lao Động, BĐT Chính Phủ)

Lượt xem: 12
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.