Đề xuất tăng quyền chủ động của tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ

Trong dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng quyền chủ động của tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền thống nhất với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời cho phép Tổng liên đoàn quyết định số cán bộ công đoàn chuyên trách theo hợp đồng trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở.

Công đoàn Việt Nam lý giải cơ chế cấp ủy địa phương giao biên chế cho tổ chức công đoàn trên địa bàn theo khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội dẫn tới sự không đồng bộ.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng quyền chủ động của tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ. Ảnh minh họa: vneconomy.vn

Ví dụ hết tháng 3-2024, số biên chế cấp ủy địa phương giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ, Trung ương Đoàn, Hội Nông dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tính cả cấp tỉnh, huyện, xã trên 62.000 biên chế, song số biên chế công đoàn địa phương tạm giao chỉ khoảng 5.100 biên chế. Số này rất nhỏ so với hơn 16.100 biên chế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tổ chức công đoàn nêu thêm việc phân bổ biên chế do cấp ủy địa phương quyết định trong khi nguồn tài chính do công đoàn cấp trên đảm bảo.

Điều này dẫn tới thiếu đồng bộ trong phân bổ nhân lực, không điều tiết được từ nơi thừa sang nơi thiếu…

Thực tế, doanh nghiệp có 1.000 lao động trở lên cần có cán bộ công đoàn chuyên trách do công đoàn trả lương theo diện hợp đồng, tạo thuận lợi khi xử lý vấn đề cán bộ, trả lương, phù hợp mặt bằng tiền lương trong doanh nghiệp…

Cán bộ công đoàn chuyên trách, do công đoàn quản lý, trả lương đảm bảo tiếng nói độc lập, không phụ thuộc vào doanh nghiệp, nhất là nơi đông công nhân, khi đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

NGỌC ANH

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.