Động cơ tăng trưởng mới cho nền kinh tế toàn cầu
Sức trẻ và sự năng động của châu Phi được dự báo sẽ là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Trong những thập kỷ gần đây, sự tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc đã trở thành động lực cho nền kinh tế thế giới. Từ năm 1980 đến 2020, tăng trưởng của Trung Quốc đóng góp tới 1/4 mức tăng GDP toàn cầu, vượt qua Mỹ (22%), Liên minh châu Âu (EU, 12%) và Nhật Bản (4%).
Từ năm 2010 đến 2020, khi Mỹ và EU vẫn đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, thế giới thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, khi tăng trưởng của nước này chiếm hơn 40% mức tăng GDP toàn cầu.
Câu chuyện thành công của Trung Quốc liên quan nhiều đến lợi thế về nhân khẩu học của quốc gia tỷ dân này. Tuy nhiên, tới thời điểm này, lợi thế đó không còn nữa. Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lao động trẻ.
Trong khi đó, viễn cảnh Ấn Độ với kỳ vọng là “Trung Quốc thứ hai” cũng sẽ khó xảy ra khi quốc gia Nam Á sớm phải đối mặt với nhiều hạn chế về nhân khẩu học tương tự Trung Quốc hiện nay. Trước thực tại đó, Tạp chí Foreign Affairs nhận định, châu Phi mới chính là động cơ tăng trưởng mới của kinh tế toàn cầu.
Công nhân trẻ ở Addis Ababa (Ethiopia) đóng gói rau, củ, quả xuất khẩu. Ảnh: Panos/ Sven Torfinn (United Nations) |
Foreign Affairs dẫn báo cáo của Liên hợp quốc cho hay, ước tính đến năm 2050, dân số châu Phi sẽ tăng từ 1,4 tỷ người hiện nay lên 2,5 tỷ người, nhờ tỷ lệ tử vong giảm và mức sinh cao. Cùng lúc, số lượng lao động trẻ tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước EU vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh. Dự báo đến năm 2050, lực lượng lao động trẻ của Trung Quốc sẽ giảm 40% (tương đương 300 triệu lao động) so với mức đỉnh năm 2010. Lực lượng lao động hiện tại sẽ già đi và số người trên 65 tuổi sẽ tăng gấp đôi.
Bất chấp các chính sách khuyến khích sinh thêm con, Trung Quốc gần như không thể xoay chuyển tình thế trong ít nhất 15-20 năm tới. Do đó, mọi con mắt đều hướng về Ấn Độ, quốc gia vừa soán ngôi đông dân nhất thế giới của Trung Quốc.
Song, cần phân biệt rõ dân số Ấn Độ phình to không phải do mức sinh cao mà là do tuổi thọ trung bình ở nước này tăng lên. Dữ liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ sinh của Ấn Độ đã giảm mạnh từ 4,0 con/phụ nữ vào năm 1990 xuống chỉ còn 2,0 con/phụ nữ hiện nay. Nhóm lao động trẻ trong độ tuổi 15-24 của quốc gia này đã đạt đỉnh vào năm 2021 và dự kiến sẽ giảm 15% vào năm 2050, ngược đà với chiều tăng của số người cao tuổi.
Trong vòng 20 năm tới, nhiều quốc gia cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng giảm sút lao động trẻ, bùng nổ người cao tuổi. Bảng tỷ suất sinh đưa ra các con số: 0,8-1,3 (Đông Á); 1,5-1,7 (Mỹ và EU); 1,9 (châu Mỹ Latin) và 2,0 (Ấn Độ). Riêng tại châu Phi, tỷ suất sinh cao kỷ lục: 4,3 con/phụ nữ. Ước tính đến năm 2050, dân số trong độ tuổi lao động chính của châu Phi sẽ lớn gấp 5 lần của châu Âu, lớn hơn của Ấn Độ và Trung Quốc cộng lại. Trong kỷ nguyên tới, thanh niên châu Phi sẽ chiếm 98% tổng mức tăng trưởng lực lượng lao động toàn cầu.
Dĩ nhiên là 54 quốc gia đa dạng trên lục địa châu Phi khó có thể thống nhất như một để tạo ra một phép màu năng suất lao động như của Trung Quốc. Nhưng nếu nhìn lại sẽ thấy, thập niên 1980, ý tưởng cho rằng Trung Quốc sẽ sớm có một nền kinh tế hùng cường sánh ngang với Mỹ hoặc EU có vẻ không thực tế. Nay Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.
Còn tại châu Phi, trong khoảng thời gian 1980-2020, GDP của khu vực châu Phi cận Sahara đã tăng hơn gấp 3 lần, từ 600 tỷ USD lên 1.900 tỷ USD. Giai đoạn 2000-2020, GDP của Nigeria đã tăng gần gấp 3, Ethiopia tăng gấp 5. Nếu các quốc gia đó tiếp tục phát huy tốc độ tăng trưởng này và kéo theo các nền kinh tế châu Phi khác thông qua hội nhập khu vực sâu rộng hơn, có thể nói, một thế hệ lao động trẻ châu Phi sẽ đủ sức tạo ra sự bùng nổ tăng trưởng toàn cầu.
Tất nhiên, trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của châu Phi là các cuộc xung đột vũ trang và bạo lực sắc tộc. Theo Foreign Affairs, trước vị thế quan trọng đặc biệt của châu Phi, thế giới cần có những chính sách ngoại giao mạnh mẽ hơn góp phần ngăn chặn hoặc chấm dứt xung đột và bạo lực, để châu Phi có thể thực sự trở thành động cơ tăng trưởng mới cho kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.