Đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn
Ngày 31-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội dành toàn bộ thời gian làm việc để thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước.
Chỉ rõ những kết quả, thách thức của nền kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đạt 6,5% là đầy thách thức. Theo đó, cần tập trung các giải pháp, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp (DN) phục hồi, phát triển; có những quyết sách thiết thực bảo đảm an sinh xã hội.
Giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế đất nước
Năm 2022, nước ta đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa phát triển KT-XH. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với không ít yếu tố bất lợi, rủi ro và thách thức mới, cùng xuất hiện. Sự suy giảm của các nền kinh tế đối tác lớn đã ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam thông qua các tác động về thương mại, tỷ giá và năng lực cạnh tranh. Trong nước, đầu tư công triển khai chậm, tiêu dùng giảm, nguồn lực của DN suy giảm nhiều... Quý I-2023, nhiều tỉnh, thành phố lớn tăng trưởng rất thấp; rủi ro dịch bệnh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện lớn; tình trạng cắt giảm lao động của DN trong một số ngành, lĩnh vực; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp...
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) phát biểu thảo luận. Ảnh: TUẤN HUY |
Tham gia thảo luận, đại biểu Đặng Xuân Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho rằng, Kỳ họp thứ năm của Quốc hội đang diễn ra với sự trông đợi của cử tri và nhân dân cả nước về những việc cần làm và phải làm khẩn trương hơn, quyết liệt hơn của hệ thống chính trị. Đó không chỉ là đòi hỏi đến từ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn là yêu cầu phải khắc phục cho được những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực thi pháp luật; là tính cấp thiết phải vượt qua được căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ... để giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế đất nước. “Tổng cầu thế giới đang ở mức rất thấp, đơn hàng giảm mạnh buộc DN phải điều chỉnh quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và chi phí thuê nhân công. Thu nhập của các hộ gia đình từ đó cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Qua thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội đều băn khoăn, trăn trở về việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5%”, đại biểu Đặng Xuân Phương bày tỏ.
Đề xuất giải pháp gỡ khó cho nền kinh tế, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cho rằng, DN được ví như xương sống của nền kinh tế... Theo đó, Chính phủ cần tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy, phát triển DN. “DN phải sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh", đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến khẳng định, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy KT-XH và hỗ trợ DN như gói hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH với quy mô gần 350.000 tỷ đồng; các chính sách hỗ trợ giảm lãi suất, giảm thuế, giãn thuế, tái cấu trúc nợ... Đây là những chính sách đúng hướng, được kỳ vọng tạo đà cho DN có thể phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khâu triển khai chính sách, hiệu quả thực thi chưa tương xứng. Nhiều ý kiến đề xuất, Chính phủ cần sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế. Đồng thời đặt ra yêu cầu, những chính sách tới đây phải tạo được động lực thật sự cho DN phục hồi và phát triển. Nếu không, số DN rút lui khỏi thị trường sẽ tiếp tục tăng lên, điều này không chỉ năm nay mà tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) phát biểu thảo luận. Ảnh: TUẤN HUY |
Để các chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống
Nêu ví dụ, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) cho biết, từ năm 2015 đến 2022, Chính phủ đã có nhiều gói tín dụng hỗ trợ xây dựng và mua nhà ở xã hội. Chẳng hạn, gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho DN vay xây nhà cho công nhân; 15.000 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho người dân thuê, mua nhà ở xã hội giải ngân trong hai năm (2022, 2023) và mới đây nhất là gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội với mục tiêu có ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, theo đại biểu, tiến độ thực hiện gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% và 15.000 tỷ đồng rất chậm triển khai, liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không, nhất là khi thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này đều vào cuối năm 2023? Trước bất cập trên, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành một và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025, điều này giúp hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra.
Xoáy sâu vào nhận định cần phải tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, nhất là giải pháp cho DN tiếp cận nguồn vốn vay, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của DN. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của DN, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp DN giảm bớt khó khăn. Liên quan đến chính sách giảm thuế VAT, đại biểu này đề xuất Quốc hội giảm sắc thuế này ở mức 3-4% thay vì đề xuất giảm 2% như hiện nay và kéo dài đến hết năm 2024 để khuyến khích tăng sức mua, vực dậy DN.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và DN dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp DN như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập DN; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội... Quốc hội, Chính phủ cần quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ những vướng mắc, nhất là những vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho địa phương chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm... Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển KT-XH từ nay đến cuối năm, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) đề nghị Chính phủ chỉ đạo, thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong thời gian qua.
Quang cảnh phiên họp ngày 31-5. Ảnh: TUẤN HUY |
Cần các quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội
Những khó khăn của DN ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Lao động thiếu việc làm, mất việc làm tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự, an toàn xã hội. Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) phân tích, mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất tác động lên nền kinh tế. Nhấn mạnh, tại thời điểm này, người dân và DN đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội; đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, ứng phó với những rủi ro đột ngột, đồng thời góp phần giảm tải cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống như quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Quan tâm tới người lao động, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tồn dư ngân quỹ của Nhà nước gửi hệ thống ngân hàng đến nay còn 1 triệu tỷ đồng cho thấy vốn dư thừa rất lớn. Đại biểu đề nghị linh hoạt bố trí nguồn lực, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm; đồng thời hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động...
Quan tâm tới đời sống của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh trước những biến động địa chính trị và những thách thức an ninh phi truyền thống. “Cần tiếp tục có sự đầu tư thích đáng từ sớm, từ xa để xây LLVT, xây dựng Quân đội nhân dân ngày càng vững mạnh, tạo điều kiện để Quân đội làm tốt 3 chức năng là: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, vừa tham gia phát triển KT-XH, vừa bảo đảm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng”. Trong đó, đại biểu đề nghị quan tâm đến chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, để cán bộ, chiến sĩ yên tâm phục vụ.
Cho rằng cần có những chính sách vượt trội để hỗ trợ người lao động, DN trong giai đoạn này, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) đề nghị cần ưu tiên nguồn lực cho DN; đẩy mạnh thanh tra công vụ, nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, yếu kém trong nền hành chính công vụ; đơn giản hóa thủ tục hành chính để DN có điều kiện phục hồi, phát triển và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, về việc triển khai gói tín dụng cho nhà ở xã hội, sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này; đồng thời ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay... Qua báo cáo của các địa phương, đến nay, đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói này. Để đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế; tiếp tục làm việc với một số địa phương, DN trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ; thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ.
Về các phương án gỡ khó cho DN khi tuân thủ các quy định phòng cháy, chữa cháy, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện quy chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân, DN.
Hôm nay (1-6), Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình KT-XH và một số nội dung khác.