Duy trì tiêu chí “hậu” nông thôn mới
Một nhà văn khá nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh sau khi về thăm quê ở miền Trung, đã tâm sự với chúng tôi rằng: Khi chính quyền địa phương vận động con em xa quê tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), anh đã đem nhiều sách về tặng bà con.
Sách được trưng bày tại các tụ điểm văn hóa của xã, chuyển đến tận nhà văn hóa các thôn. Các hoạt động được tổ chức rất sôi nổi. Thế mà vừa rồi về quê, anh đi tham quan nhà văn hóa, thấy các tủ sách đóng cửa im ỉm, mạng nhện chăng đầy, chả có ai đọc...
Câu chuyện này chỉ là một ví dụ về những hạn chế, bất cập trong đời sống nông thôn mới. Trong chuyến công tác về một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long mới đây, chúng tôi cũng chứng kiến không ít nội dung, hạng mục thuộc các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở nhiều ấp, xã đang bị bỏ quên sau khi địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chẳng hạn, hệ thống pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền cổ động bị hư hỏng, bạc màu, rách chữ... không được tu sửa. Sân đá bóng trở thành bãi chăn gia súc. Một số công trình, thiết chế văn hóa, thể thao sau khi xây dựng không phát huy được công năng, tác dụng, bị bỏ phế gây lãng phí...
![]() |
Ảnh minh họa về xây dựng nông thôn mới: Nhandan.vn |
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương được triển khai thực hiện dựa trên Bộ tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Những địa phương đạt chuẩn nông thôn mới phải đáp ứng đầy đủ các nội dung tiêu chí theo quy định về hạ tầng cơ sở, vật chất kỹ thuật và các thiết chế phục vụ đời sống văn hóa tinh thần. Sự lượng hóa các nội dung trên thực tế là căn cứ để chính quyền, cơ quan chức năng các cấp ra quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, sau khi đạt chuẩn, việc duy trì các tiêu chí ấy như thế nào, nhất là về lĩnh vực văn hóa, thì thực tế còn nhiều bất cập. Đơn cử như việc đưa vào sử dụng các thiết chế văn hóa nông thôn. Hệ thống tủ sách, các mô hình nhà văn hóa, “ngôi nhà trí tuệ”... ở không ít vùng quê, khi xây dựng nhằm đáp ứng đủ các tiêu chí để địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhưng sau khi được công nhận thì bị “đắp chiếu”, bỏ quên, nhất là việc duy trì, phát huy công năng, giá trị những công trình, thiết chế về đời sống văn hóa.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, đến năm 2025, cả nước có ít nhất 15 tỉnh, 40% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có ít nhất 10% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Đối với cấp xã, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với cấp thôn, 80% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới áp dụng đối với cấp thôn...
Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là cải thiện, nâng cao toàn diện đời sống nông dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tiêu chí không phải là thứ định ra để xác lập đạt chuẩn rồi để đó, mà nó là cơ sở đặt nền móng để duy trì hoạt động và phát triển, vì sự phát triển chung của nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam. Hoàn thành các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chỉ là đích đến trong một giai đoạn, nhưng là sự khởi đầu của cả sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Nếu hoàn thành tiêu chí một cách cơ học để được công nhận rồi thỏa mãn, dừng lại thì đó là cách làm duy ý chí, mắc bệnh thành tích, không đúng với mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.
Duy trì tiêu chí nông thôn mới, nhất là về đời sống văn hóa tinh thần ở từng thôn, ấp, xã... thời kỳ “hậu” nông thôn mới đã và đang đặt ra những thách thức cần phải giải quyết. Mấu chốt để tháo gỡ bất cập chính là cách làm, sự năng động, chủ động ở từng địa phương. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp cần được thể hiện rõ nét, rõ ràng, nhất là trong công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát. Bất cứ tiêu chí nào sau khi được công nhận cũng cần được nuôi dưỡng, duy trì, phát huy, nâng cao sức sống để nông thôn mới phát triển ổn định, bền vững...
PHAN TÙNG SƠN