Gần 1.000 tỷ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số Thủ đô

Sáng 18/4, Đoàn khảo sát Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội đã làm việc với Ban Dân tộc thành phố về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Sau khi khảo sát một số công trình, dự án cơ sở hạ tầng của xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Đoàn đã làm việc với Ban Dân tộc.

 Giải ngân trên 862 tỷ đồng đạt trên 92% theo kế hoạch

Theo báo cáo của Ban Dân tộc, hiện nay TP Hà Nội có 13 xã dân tộc miền núi thuộc khu vực I của 4 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai và Thạch Thất với tổng số 118 thôn. Cả 13/13 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngay sau khi Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội ban hành tại kỳ họp cuối năm 2020, UBND TP đã trình HĐND TP phê duyệt danh mục 69 dự án với tổng kinh phí 500 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) năm 2021. Đến tháng 9/2021, TP tiếp tục bổ sung thêm 243 tỷ đồng đầu tư cho 30 dự án. Các dự án thực hiện trong năm 2021 được tích hợp vào các dự án đầu tư của Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11/11/2021 của UBND TP để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn 1 (2021-2025). Do đó, mặc dù trong quá trình xây dựng Kế hoạch nhưng các dự án đầu tư đã được triển khai thực hiện ngay trong năm 2021, với tổng số vốn là 743 tỷ đồng.

Đoàn làm việc với Ban Dân tộc sáng 18/4

Đoàn làm việc với Ban Dân tộc sáng 18/4

Theo Kế hoạch số 253/KH-UBND có 9 nội dung thực hiện để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030 (do Hà Nội không có nhóm dân tộc rất ít người, dân tộc còn nhiều khó khăn nên không thực hiện dự án 9 theo Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội). Tổng mức vốn đầu tư thực hiện 9 nội dung dự kiến là 2.144,523 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.647,702 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 496,821 tỷ đồng.

Cụ thể, các nội dung như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở nhũng nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, du lịch, củng cố và phát triển ngàng, nghề truyền thống, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị; Phát triển giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của người dân tộc thiếu số; Chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Đến nay, TP đã bố trí 974,2 tỷ đồng (89 dự án), đã giải ngân 862,341 tỷ đồng đạt trên 92% theo kế hoạch và nguồn khác cho 4 dự án. Nguồn vốn sự nghiệp đã bố trí 132,102 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 8,485 tỷ đồng.

Trưởng Ban Dân tộc TP Nguyễn Nguyên Quân phát biểu tại buổi làm việc 

Trưởng Ban Dân tộc TP Nguyễn Nguyên Quân phát biểu tại buổi làm việc 

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên

Đối với các các sở, ban, ngành TP thực hiện nhiệm vụ được đã chủ trì, phối hợp triển khai đảm bảo tiến độ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Đến nay thu nhập bình quân đầu người các xã vùng DTTS&MN đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm qua các năm (năm 2021 là 0,53%; năm 2022 là 0,42%); duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia đạt gần 70%; công tác bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm, đẩy mạnh...

Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo, công tác đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số - nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ được quan tâm. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương. Như vậy, đến nay 11/11 chỉ tiêu cơ bản thực hiện đảm bảo theo tiến độ đề ra.

Cùng với những kết quả đạt được, Ban Dân tộc cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô giai đoạn 2021-2030 như: Một số dự án đã được bố trí nguồn vốn, nhưng còn có những bất cập nên phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp. Một số dự án còn chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp; có dự án vướng quy hoạch chưa triển khai được; việc lập, phê duyệt, tổng hợp đề xuất TP bố trí vốn để thực hiện còn chậm.Trong quá trình thực hiện nội dung thuộc nguồn sự nghiệp còn gặp vướng mắc về định mức, cơ chế...

Trước những vướng mắc nêu trên, Ban Dân tộc đề nghị Uỷ ban Dân tộc và các bộ ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn khung kiến trúc phần mềm cơ sở dữ liệu cho địa phương xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc. Đối với phân định thôn vùng đồng bào DTTS&MN, thực hiện văn bản số 1773/UBDT-CSDT ngày 24/10/2022 của Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc TP đã có văn bản rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh sách xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN đề nghị Ủy ban Dân tộc tổng hợp danh sách 1 thôn Đồng Ké, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội để phê duyệt, công nhận là thôn thuộc vùng DTTS&MN làm cơ sở cho việc quản lý nhà nước và thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS&MN đảm bảo đầy đủ, kịp thời.

Đoàn khảo sát một số công trình, dự án cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai

Đoàn khảo sát một số công trình, dự án cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn khảo sát đã đặt vấn đề về đối tượng tuyên truyền bình đẳng giới, hiệu quả tuyên truyền để phòng ngừa hôn nhân cận huyết; cần quan tâm đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Kết luận buổi khảo sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Nguyễn Thanh Bình đánh giá việc triển khai chương trình hiệu quả, các sở, ngành đã thấy rõ được nhiệm vụ và nêu giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian tới. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện chương trình này, kết quả đã tạo được sự phát triển toàn diện về kinh tế xã hội - nhất là phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng ở khu vực miền núi tương đương với khu vực nông thôn ở ngoại thành; chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên, giữ gìn bản sắc dân tộc thiểu số, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Để hoàn thành những chỉ tiêu đặt ra, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị các địa phương rà soát lại báo cáo để gửi Đoàn khảo sát, trong đó phân tích rõ những khó khăn vướng mắc, kiến nghị cụ thể, nhất là việc điều chỉnh đối với các dự án, đề án, bổ sung vốn, bố trí vốn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về quy hoạch, đơn giá định mức…

Lượt xem: 12
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết