Giải ngân đầu tư công: thêm quyết liệt trong thực thi, thêm rạch ròi trong quy trách nhiệm

Vay nợ nước ngoài chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng nguồn vốn cân đối cho đầu tư công hiện nay. Trong khi đó, chi phí vay vốn bao gồm cả vốn ODA đang ngày một tăng. Như vậy, chậm giải ngân ngày nào là lãng phí vốn ngày đó, giải ngân không hiệu quả đồng vốn nào là lãng phí cơ hội phục hồi từ đồng vốn đó.

Giải ngân đầu tư công 3 tháng đạt 11,8%: Quyết liệt, quyết liệt hơn nữa

Theo dự kiến phân bổ kế hoạch vốn đầu tư NSNN năm 2022, tổng số vốn NSNN dự kiến cân đối được trong năm 2022 là 526.106 tỷ đồng, tăng 10,2% so với kế hoạch năm 2021.

Tổng số vốn NSNN dự kiến cân đối cho đầu tư và phát triển trong năm 2022 là 526,1 nghìn tỷ đồng

Tổng số vốn NSNN dự kiến cân đối cho đầu tư và phát triển trong năm 2022 là 526,1 nghìn tỷ đồng

Đồng thời, sẽ có 113,85 nghìn tỷ được bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nằm trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Chương trình) trị giá 347 nghìn tỷ mà Quốc hội phê duyệt triển khai trong 2 năm 2022-2023. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm 3/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết cơ bản đến tháng 4 và tháng 5 năm nay có thể bắt đầu triển khai gói này.

Như vậy, trong phần còn lại của năm, sẽ có một lượng tiền lớn bơm vào nền kinh tế thông qua các dự án đầu tư công trong nỗ lực phục hồi kinh tế.
Với tinh thần giải ngân đầu tư công quyết liệt từ những tháng đầu năm, không để xảy ra tình trạng “đầu năm đủng đỉnh cuối năm vội vàng” như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các bộ ngành địa phương đã chạy nước rút ngay từ những tháng đầu năm.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, giải ngân đầu tư công của cả nước trong 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt trên 61.536 tỷ đồng, tương ứng 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả giải ngân chung mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (13,17%), nhưng nhiều bộ, cơ quan và địa phương đạt tỷ lệ giải ngân rất tích cực.

Chẳng hạn, đến nay đã có 4 bộ, cơ quan trung ương và 20 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 20%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (dự kiến hết quý I/2022 giải ngân trên 47%), tỉnh Thái Bình (dự kiến gần 34%), Ngân hàng Nhà nước (dự kiến trên 32%), Bộ Xây dựng (dự kiến trên 29%), tỉnh Lai Châu (dự kiến gần 29%)...

Tuy nhiên, vẫn có 46 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước (11,03%). 29 bộ và cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch vốn được giao, như Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh…

Trong số 51 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương đã gửi kế hoạch phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 tính đến ngày 23/3/2022, Bộ Tài chính cho biết có 19 bộ, cơ quan trung ương và 30 tỉnh, thành phố chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết đến thời điểm báo cáo còn trên 51.015 tỷ đồng, chiếm 9,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Giới chuyên gia đặt kỳ vọng lớn ở đầu tư công như một trong những trụ cột chính để phục hồi trong bối cảnh sản xuất và tiêu dùng đối diện nhiều thách thức do lạm phát, giá cả tăng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng từng khẳng định: “Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong lúc này, đầu tư công tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”.

Như vậy, rất cần tinh thần quyết liệt hơn nữa trong giải ngân đầu tư công, bởi trụ cột mà thụt lùi thì tăng trưởng kinh tế không thể tiến lên.

Cần thiết quy trách nhiệm người đứng đầu

Trao đổi với phóng viên về vướng mắc trong giải ngân đầu tư công, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ sự trăn trở rằng Luật Đầu tư công đã có, kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao xong xuôi, tại sao đến công tác tiêu vốn lại chậm trễ? Và nếu không tiêu được vốn, thì trách nhiệm nằm ở đâu, do ai chịu?

“Bao nhiêu năm trước, tỷ lệ giải ngân đầu tư công thường chỉ được bình quân khoảng 75%, không giải ngân được 25% còn lại có chết ai đâu? Có ai chứng minh phần không giải ngân được ảnh hưởng gì đến kinh tế địa phương đâu?", bà Phạm Chi Lan đặt vấn đề.

"Nếu chứng minh được giải ngân chậm hoặc không giải ngân được làm tăng trưởng kinh tế địa phương tụt xuống bao nhiêu phần trăm thì dân đã kêu ầm lên rồi. Nhưng không ai chứng minh được cả, mà chỉ thấy sau đấy dự án đội vốn lên gấp mấy lần. Mà nhiều khi mức đội vốn đó lại được tính vào GDP, làm tăng GDP địa phương chứ không phải GDP tăng do hiệu quả mà dự án phát huy được”, vị chuyên gia kinh tế cho hay.

dau-tu-cong

Đầu tư công không giải ngân được, ai chịu trách nhiệm? (Ảnh: VGP)

Đồng quan điểm về sự cần thiết phải quy trách nhiệm rõ ràng, TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công (Học viện Tài chính) cũng trả lời phóng viên rằng chìa khóa giải ngân nhanh không gì khác ngoài cơ chế quy trách nhiệm theo kiểu “vướng ở đâu thì gỡ ở đó”.

“Năm 2020 vì sao tỷ lệ giải ngân trên 90%? Vì khi đó ta đặt nặng vấn đề trách nhiệm giải ngân. Bây giờ cũng nên thế, rất cần một cơ chế rõ ràng: cơ quan nào, địa phương nào giải ngân thấp thì xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Phải có quy chế giám sát kiểm tra tiến độ giải ngân, phải chú trọng trách nhiệm giải trình và phân cấp quản lý chi đầu tư công”, ông Cường khẳng định.

Nhận định việc giải ngân đầu tư công chậm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 12/2 đã ban hành Công điện 126 chỉ đạo các bộ, ban ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi và giải ngân vốn đầu tư công.

Nội dung công điện nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, theo đó xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm của từng bộ, ngành, địa phương và sự cần thiết tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Quyết tâm chính trị trong giải ngân đầu tư công đã đủ lớn, sự quyết liệt và rạch ròi trong vấn đề xác định trách nhiệm cũng được các cơ quan quản lý lưu tâm. "Năm 2022, công tác điều hành đầu tư công của Chính phủ sẽ rất quyết liệt và sẽ quy trách nhiệm rất rõ ràng, nhất là với những người đứng đầu", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định.

Lượt xem: 220
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.