Giữ gìn, phát huy các giá trị gia đình Việt trong sự nghiệp phát triển đất nước
Các văn kiện, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn khẳng định, sự ổn định của gia đình chính là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Đảng ta luôn quan tâm tới gia đình, đặt mục tiêu xuyên suốt xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Các loại hình về giá trị gia đình
Trong dòng chảy văn minh nhân loại, dù ở thời kỳ chiến tranh hay hòa bình, dù thịnh vượng hay nghèo khổ, gia đình luôn có vai trò đặc biệt quan trọng với mỗi cá nhân và xã hội. Chức năng sinh đẻ của gia đình mang lại con người, nguồn lao động, bảo đảm quy mô và chất lượng dân số. Chức năng giáo dục của gia đình xây dựng cho trẻ em nhân cách, trí tuệ và sức khỏe. Chức năng kinh tế của gia đình bảo đảm an ninh, an toàn cho mỗi thành viên và thúc đẩy phát triển kinh tế của xã hội. Chức năng tâm lý, tình cảm của gia đình là “van an toàn” cân bằng, bảo vệ mỗi thành viên trước khó khăn, giúp cá nhân đứng vững và phục hồi trước những thách thức, rủi ro. Gia đình giữ gìn và trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng thời, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, triển khai, thụ hưởng các chính sách chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.
Nét đẹp văn hóa trong Ngày hội gia đình ở phường Hà Tu (Hạ Long, Quảng Ninh).Ảnh: Dương Lan. |
Giá trị gia đình là niềm tin, quan điểm, chuẩn mực, điều đáng mong muốn hay không mong muốn, một hệ thống trật tự các ưu tiên định hướng cho suy nghĩ và hành động của con người về các lĩnh vực đời sống hôn nhân, gia đình dưới ảnh hưởng của bình đẳng giới, truyền thông văn hóa, hệ tư tưởng, hiện đại hóa,... của cá nhân trong xã hội Việt Nam hiện nay. Giá trị gia đình được nhìn nhận theo các loại hình sau.
Một là các giá trị gia đình truyền thống. Những biểu hiện tiêu biểu của giá trị gia đình truyền thống bao gồm những quan điểm về đề cao giá trị hôn nhân, ý nghĩa quan trọng của gia đình, của con cái, vai trò lao động giới truyền thống, hiếu thảo với cha mẹ. Giá trị truyền thống của gia đình tồn tại trong hiện đại hóa cùng với sự tồn tại của các giá trị văn hóa truyền thống.
Hai là các giá trị gia đình được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật và chính sách. Điều này được xem xét trong bối cảnh có những thay đổi đương đại trong luật pháp hôn nhân, gia đình và các khả năng những thay đổi đó giải thích cho việc thay đổi các giá trị gia đình truyền thống.
Ba là các giá trị phản ánh những thay đổi gần đây về gia đình trong hệ tư tưởng chính trị như một cách thức thể hiện mối quan hệ giữa các cá nhân, gia đình, quốc gia và dân tộc trong bối cảnh hiện nay.
Bốn là các giá trị phản ánh sự chuyển đổi từ hiện đại sang hậu hiện đại. Giá trị gia đình hiện đại và hậu hiện đại có nhiều đặc trưng. Gia đình và các quan hệ gia đình mang tính linh hoạt, biến đổi qua các mối quan hệ lịch sử, văn hóa trong và ngoài gia đình. Giá trị gia đình hiện đại tiêu biểu như mức độ ủng hộ cao với bình đẳng giới, các hình thái hôn nhân, gia đình mới như sống chung không kết hôn, quan điểm cởi mở về ly hôn, tính cá nhân tăng lên, hôn nhân tự do, tự nguyện, sự độc lập của thế hệ trẻ cao, quy mô gia đình nhỏ, mức sinh thấp.
Các nhóm giá trị cơ bản của gia đình
Nhóm giá trị chính thứ nhất, rõ nhất là gia đình Việt Nam có xu hướng bảo lưu các giá trị truyền thống. Một là coi trọng hôn nhân với độ tuổi kết hôn trung bình khoảng 25 tuổi. Hai là coi gia đình là quan trọng nhất trong cuộc sống mỗi cá nhân. Gia đình Việt Nam đang thể hiện rõ xu hướng hạt nhân hóa, giảm dần về quy mô, nhất là ở khu vực hiện đại như đô thị. Gia đình hạt nhân có xu hướng mạnh hơn ở các khu vực đô thị. Mong muốn sống chung nhiều thế hệ không còn mang tính phổ biến. Ba là đề cao các giá trị đạo đức, trong đó, chung thủy là quan trọng nhất, sau đó là đến các giá trị tình yêu thương, bình đẳng, chia sẻ việc nhà, hòa hợp tình dục, có thu nhập và sống riêng. Bốn là coi trọng giá trị con cái, theo đó, người Việt Nam mong muốn có con, nhưng không muốn nhiều con.
Nhóm giá trị chính thứ hai là sự biến đổi và hình thành một số giá trị gia đình. Một là tính cá nhân đang ngày càng mạnh lên trong quá trình hiện đại hóa, thể hiện ở mức sinh giảm, tuổi kết hôn tăng, ly hôn vì lý do cá nhân tăng. Hai là gia đình thể hiện xu hướng tiếp nhận các giá trị hiện đại của gia đình (bình đẳng giới, gia đình hạt nhân, tuổi kết hôn muộn hơn, có ít con, quan tâm hơn đến giá trị tâm lý, tình cảm của gia đình). Ba là mức độ chấp nhận cởi mở dần với một số hiện tượng hôn nhân, gia đình mới như chấp nhận cao với chung sống không kết hôn, làm mẹ đơn thân, kết hôn với người nước ngoài.
Nhóm giá trị chính thứ ba là tồn tại khác biệt giới rõ nét trong giá trị gia đình. Định kiến giới về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội là một lực níu lớn đối với cơ hội phát triển của phụ nữ. Với nam giới, họ được kỳ vọng gánh vác vai trò trụ cột kinh tế. Đây có thể là một gánh nặng tâm lý đối với nam giới bởi vì không phải người nam giới nào cũng có đầy đủ khả năng đảm đương được những trách nhiệm đó, nhất là trong bối cảnh phụ nữ tham gia rộng rãi vào thị trường lao động, cạnh tranh với nam giới. Khi phụ nữ vừa đi làm đóng góp kinh tế cho gia đình, vừa đảm nhiệm trách nhiệm chính trong nội trợ, chăm sóc con cái, vừa phải vượt qua được các rào cản về định kiến giới trong công việc, sự nghiệp, trong khi các dịch vụ xã hội hỗ trợ gia đình còn hạn chế, thì áp lực đối với người phụ nữ là rất lớn. Sự pha trộn giá trị truyền thống và hiện đại cũng như các kỳ vọng xã hội đang đặt ra những gánh nặng kép cả về văn hóa và kinh tế đối với phụ nữ, đòi hỏi cần có những giải pháp tiếp tục thay đổi định kiến giới, những chính sách, dịch vụ hỗ trợ phụ nữ cân bằng công việc và gia đình.
Tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của gia đình
Giá trị gia đình Việt Nam hiện nay cho thấy rõ nét sự phức hợp theo các cặp giá trị gia đình truyền thống và giá trị gia đình hiện đại, sự bền vững và sự tiếp biến văn hóa trong hiện đại hóa của xã hội đang chuyển đổi. Bối cảnh mới hiện nay như kỹ thuật số, Cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của internet và mạng xã hội... đặt ra yêu cầu cần có cách nhìn mới, “động” hơn về mối quan hệ của thiết chế gia đình với các thiết chế xã hội khác như kinh tế, văn hóa, chính trị. Tìm hiểu, thúc đẩy vai trò và sự tham gia của gia đình vào các quá trình phát triển xã hội bền vững, vì các mục tiêu và động lực phát triển hiện nay đều nhấn mạnh đến nhân tố phát triển con người, cũng chính là bảo đảm sự ổn định và phát triển của gia đình, nơi mỗi cá nhân con người của xã hội sinh ra, lớn lên và trưởng thành.
Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ 21 vẫn là việc làm thế nào vừa tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế, lại vừa phải giữ được bản sắc dân tộc và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước.
Với các chức năng trong hoạt động sản xuất, tiêu dùng, sinh đẻ và tích lũy, gia đình có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. Một mặt, những thay đổi về kinh tế, xã hội tác động trực tiếp đến gia đình, đặt ra nhu cầu gia đình cần có những hỗ trợ và bảo vệ tốt hơn. Mặt khác, những biến đổi của gia đình có những tác động quan trọng đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa.
Ở cấp độ cá nhân, gia đình là nguồn lực chính giáo dục trẻ em nhân cách, trí tuệ và sức khỏe. Môi trường gia đình nơi trẻ em lớn lên có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành kỹ năng, năng suất lao động cũng như khả năng thành công sau này, vì giáo dục trẻ em trong gia đình giúp định hình nhân cách, trí tuệ qua môi trường vật chất, tình cảm và giáo dục mà gia đình mang lại. Quá trình hòa nhập xã hội, học tập kiến thức, kinh nghiệm tại nhà trường và xã hội sau này là quá trình tiếp tục giúp cá nhân hoàn thiện trên cơ sở giáo dục gia đình. Vì thế, vốn gia đình là yếu tố hình thành, phát triển và bảo vệ chất lượng nguồn nhân lực xã hội.
Ở cấp độ xã hội, gia đình đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm sự gắn kết xã hội vì gia đình là nơi cá nhân tìm về khi gặp khó khăn, giúp cá nhân không xa lánh xã hội và rơi vào các thách thức khó khăn kế tiếp. Khả năng bảo vệ của gia đình có thể cho phép gia đình cũng như mỗi thành viên đứng vững và phục hồi trước những thách thức, rủi ro. Nói cách khác, gia đình là “van an toàn” cân bằng cho cá nhân trước môi trường ngoài gia đình.
Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, ở Việt Nam, sự ổn định của gia đình chính là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đầu tư cho gia đình, vì vậy, cũng là đầu tư cho phát triển bền vững.
Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII là văn bản chỉ đạo rất quan trọng về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Chỉ thị nhấn mạnh, gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, triển khai, thụ hưởng các chính sách chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Gia đình là thiết chế quan trọng bảo đảm quy mô và chất lượng dân số thông qua chức năng sinh đẻ, chức năng giáo dục thể lực, trí lực, đạo đức, phẩm chất của nguồn nhân lực cũng như là thiết chế quan trọng đầu tư phát triển nguồn lực con người.
Có thể khẳng định rằng, việc bảo đảm sự ổn định của gia đình, thúc đẩy sự tham gia của gia đình vào các quá trình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển cân bằng hơn giữa các vùng miền, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng để phát triển đất nước bền vững.
PGS, TS TRẦN THỊ MINH THI, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam