Hải Phòng nỗ lực hiện thực hóa khát vọng phát triển

Dù luôn thuộc tốp đầu về tốc độ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) trên cả nước, nhưng Hải Phòng chưa bao giờ tự thấy hài lòng. Với khát vọng phát triển luôn cháy bỏng, từ người dân cho tới lãnh đạo thành phố cảng vẫn luôn không ngừng đoàn kết, cùng nhau kiếm tìm dư địa phát triển mới cho thành phố.

Nhiều chỉ tiêu phát triển đạt kết quả khả quan

Trong những năm qua, Hải Phòng thường xuyên nằm trong tốp đầu cả nước về tốc độ phát triển KT-XH nhờ những nỗ lực nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hải Phòng lần thứ XVI.

 

Hải Phòng đang đẩy mạnh phát triển du lịch Cát Bà. Ảnh: TRẦN CÔNG ĐẠT 

Số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng giai đoạn 2021-2022 đạt bình quân 12,63%. Năm 2022, GRDP thành phố tăng 12,32% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 8 cả nước, đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2021, GRDP thành phố tăng 12,38%, đứng đầu cả nước và gấp 4,79 lần mức bình quân chung cả nước. Năm 2020, GRDP thành phố tăng 11,22%, đứng thứ 2 cả nước. 

Theo đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng: 3 quý của năm 2023, tình hình KT-XH thành phố tiếp tục ổn định và phát triển, nhiều chỉ tiêu tiếp tục có kết quả rất khả quan. GRDP tăng 10,08%, xếp thứ 3 cả nước. Môi trường đầu tư của thành phố luôn tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. 

Hiệu quả từ chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư mang lại kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đứng đầu cả nước về số vốn thu hút trong 9 tháng năm 2023. “Minh chứng là tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố tăng tới 12,25%. Thu hút vốn FDI dự kiến đến cuối năm sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD, hiện đã đạt 3,055 tỷ USD, vượt 150% kế hoạch; với kết quả dự kiến cuối năm như vậy sẽ vượt kế hoạch 175%”, đồng chí Lê Tiến Châu nói.

 Một góc đô thị Hải Phòng. Ảnh: NGỌC THẮNG

Trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước 9 tháng năm 2023 giảm tới 8,2% so với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng vẫn đạt 20,65 tỷ USD, tăng 0,58% (bằng 66,61% kế hoạch năm). Số lượng khách du lịch tới thành phố đạt 6.215,9 nghìn lượt, tăng 13,26% (bằng 85,15% kế hoạch năm).

Một kết quả nổi bật khác, trong khi cả nước đều rất khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công thì Hải Phòng lại thực hiện rất tốt nhiệm vụ này. Đến hết quý III, Hải Phòng đã giải ngân được 81% vốn đầu tư công, dẫn đầu cả nước. “Trong khi nhiều nơi còn tiền không tiêu được thì Hải Phòng đã tiêu gần hết rồi. Giờ Hải Phòng đang phải nỗ lực tìm thêm các nguồn vốn vì không muốn làm chậm các dự án đầu tư”, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nói.

 Bốc xếp hàng tại Cảng Tân Vũ. Ảnh: TRỌNG HẢI

Nói về đánh giá của cá nhân cũng như đông đảo người dân TP Hải Phòng, ông Phạm Văn Tuyền (phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn) phấn khởi cho rằng, những thành tựu phát triển KT-XH mà thành phố đạt được trong thời gian qua là rất đáng tự hào. Những kết quả đó giúp nhân dân càng thêm phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nỗ lực tìm các dư địa phát triển

Trong bối cảnh KT-XH Hải Phòng luôn đạt kết quả ấn tượng như thế, với tinh thần trách nhiệm và cộng đồng khát vọng, nhiều người dân thành phố cảng luôn sát cánh cùng lãnh đạo thành phố hiến kế, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp; lãnh đạo Hải Phòng cũng đang ấp ủ nhiều kế hoạch tạo dư địa để thành phố phát triển dài hơi hơn.

Hiến kế để Hải Phòng đẩy mạnh phát triển du lịch, tạo thêm động lực cho sự phát triển KT-XH của thành phố, ông Lê Đức Hợp (phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn) mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương quan tâm, tạo điều kiện để Hải Phòng phát triển các sản phẩm du lịch; quy định tiêu chí cụ thể và hỗ trợ để Đồ Sơn sớm được công nhận tài nguyên du lịch quốc tế, quốc gia.

 Cảng Nam Đình Vũ Hải Phòng. Ảnh: THU DUYÊN

Đây cũng là vấn đề Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất quan tâm trong mỗi chuyến về Hải Phòng công tác, tiếp xúc cử tri. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hải Phòng nghiên cứu thêm để phát triển các sản phẩm du lịch, đánh giá lại về tài nguyên du lịch và môi trường du lịch. Quốc hội luôn ủng hộ các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển mạnh về du lịch, bởi Luật Du lịch đã quy định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý Hải Phòng tập trung sản xuất các sản phẩm rất đặc trưng phục vụ nhu cầu của du khách, bởi du khách đi du lịch ở bất cứ đâu cũng đều mong muốn mua những sản phẩm đặc trưng của nơi đó, đồng thời phát triển các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách như ở nhiều trung tâm du lịch lớn trên thế giới đang thực hiện. “Mình vẫn có thói quen đếm đầu khách du lịch, còn khách tiêu tiền bao nhiêu lại không quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra điểm yếu của du lịch Việt Nam như vậy.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh rằng, để thực hiện được các chỉ tiêu, mục tiêu của Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết 45 cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã đề ra, Hải Phòng đang rất cần sự hỗ trợ, ủng hộ của Trung ương. Cụ thể, Hải Phòng đang quyết tâm xây dựng khu kinh tế thứ hai ở phía Nam Đồ Sơn ngay sau khi hoàn thành đường cao tốc ven biển.

“Chúng tôi dự kiến sẽ có những chính sách đặc thù vượt trội dành cho khu kinh tế này để tăng khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư, trong đó có đề xuất thành lập khu thương mại tự do. Nhưng đây là vấn đề rất mới, đặc biệt khó khăn nhất là thể chế. Rất mong Trung ương ủng hộ đề xuất này của Hải Phòng”, Bí thư Lê Tiến Châu nói.

 Kho ngoại quan - Công ty CP dịch vụ Cảng Hải Phòng. Ảnh: THU DUYÊN

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cũng bày tỏ quan tâm tới Quy hoạch điện VIII. Theo đánh giá của các chuyên gia, năng lực đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện phục vụ sản xuất, tiêu dùng tại Hải Phòng chỉ đạt được trong giai đoạn hiện nay. Nhưng theo các dự án, kế hoạch phát triển của thành phố đến năm 2030 thì sẽ thiếu điện trầm trọng. Nếu không giải quyết vấn đề này, khả năng thu hút đầu tư của Hải Phòng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thành ủy Hải Phòng đã giao nhiệm vụ cho UBND thành phố đến trước năm 2025 phải có một nhà máy phát điện từ xử lý rác thải, đáp ứng các yêu cầu về môi trường.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rất quan tâm, mong muốn đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi, nhưng Hải Phòng vẫn chưa có chỉ tiêu phát điện. Do đó, Hải Phòng đang rất muốn có chỉ tiêu phát điện, dù chỉ khoảng 20MW, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của thành phố trong thời gian tới.

“Mọi giải pháp thời gian tới như thế nào đã được chúng tôi đưa ra và chúng tôi quyết tâm sẽ thực hiện bằng được các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã nêu ra”, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu gút lại câu chuyện như vậy. Tin tưởng rằng, với sự chung sức, đồng khát vọng của người dân thành phố cảng, Hải Phòng chắc chắn sẽ tiếp tục bứt tốc phát triển, xứng đáng là một cực tăng trưởng của cả nước.

Tags: Hải Phòng