Hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp do nữ làm chủ phát triển
Sáng 26-3, tại Hà Nội, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard tổ chức Lễ ra mắt Chương trình “Bừng sáng - Nữ chủ tự tin, doanh nghiệp tự tiến”.
Phát biểu tại chương trình, bà Lê Kim Dung, Giám đốc quốc gia Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam cho biết: Sáng kiến Thắp lửa - CARE Ignite do Care phối hợp với các tổ chức triển khai từ năm 2020 đến năm 2022 tại Việt Nam đã hỗ trợ kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là các sản phẩm tài chính dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tính đến cuối năm 2022, báo cáo đánh giá cho thấy hơn 47.000 doanh nghiệp được hỗ trợ thông qua chương trình, với 80% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã cải thiện năng lực quản lý tài chính cũng như tăng doanh số.
Bà Lê Kim Dung, Giám đốc quốc gia Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. |
Tiếp nối thành công của Sáng kiến Thắp lửa, từ năm 2023 đến năm 2027, CARE và các đối tác sẽ tiếp tục triển khai Chương trình “Bừng sáng - Nữ chủ tự tin, doanh nghiệp tự tiến” với mục tiêu hỗ trợ hơn 90.800 doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ phát triển bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính, số hóa và nâng cao năng lực vận hành doanh nghiệp.
Chương trình sẽ phối hợp với các địa phương để cung cấp các sản phẩm tài chính và dịch vụ hỗ trợ phù hợp như nâng cao năng lực kỹ thuật số và củng cố mạng lưới hỗ trợ phụ nữ. Chương trình tiếp cận giải quyết các rào cản giới đặc thù mà các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo phải đối mặt và thử nghiệm những sáng kiến thích ứng với khí hậu và chăm sóc trẻ em, hai trong số những vấn đề đang ảnh hưởng nặng nề tới phụ nữ.
Dựa trên cam kết lâu dài đối với các doanh nhân nữ, CARE cũng đang xây dựng một hệ sinh thái nhằm thúc đẩy cách tiếp cận bao trùm giới trên bình diện địa phương và quốc tế.
Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm. |
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, cộng đồng và hộ gia đình trên khắp thế giới. Tuy vậy, phụ nữ lại không được tiếp cận tài chính một cách công bằng. Nếu bỏ qua tiềm năng của thị trường dành cho phụ nữ, các doanh nghiệp đang bỏ lỡ một cơ hội khổng lồ. Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, 80% doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ có nhu cầu vay vốn đang ít hoặc chưa được quan tâm.
Trong khuôn khổ buổi lễ cũng diễn ra Tọa đàm “Sức khỏe tài chính của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do nữ làm chủ”. Tại tọa đàm, các nữ doanh nhân đã chia sẻ những trở ngại phát triển tại doanh nghiệp do mình làm chủ như: Thiếu hồ sơ tài chính chính thức, khả năng tiếp cận tài sản thế chấp hạn chế, thiếu các sản phẩm tài chính chuyên biệt, các định kiến giới vẫn còn đối với phụ nữ như các công việc chăm sóc trẻ và nội trợ trong gia đình thì người phụ nữ vẫn làm chính…
Tin, ảnh: LA DUY