Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy đô thị phát triển bền vững

Với tỷ lệ đô thị hóa cao, số lượng không ngừng tăng, hệ thống đô thị nước ta có đóng góp ngày càng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Một trong những mục tiêu đặt ra thời gian tới là phát triển bền vững đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân, ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... Để đạt được mục tiêu này, giải pháp cần ưu tiên là hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi về quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị.

Nhiều áp lực lên hệ thống đô thị  

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, Việt Nam hiện có 902 đô thị. Các đô thị ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 43,1%. Nhiều đô thị ven biển đã hình thành các thương hiệu mới, chất lượng sống ngày càng được cải thiện. Nhờ vào sự đóng góp của đô thị, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD, trong đó, khu vực đô thị chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Thu nhập bình quân ở khu vực thành thị gấp gần 1,5 lần ở nông thôn. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đánh giá, chất lượng cuộc sống đô thị ngày càng tăng cao với sự cải thiện rõ rệt về môi trường sống, cảnh quan đô thị, tiếp cận hạ tầng kỹ thuật và cơ hội phát triển của cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại mà sự phát triển đô thị chưa khắc phục được triệt để, như: Đô thị hóa còn dàn trải, mật độ đô thị thấp, chưa thực sự hiệu quả; chất lượng hạ tầng đô thị còn có vấn đề. Đặc biệt, các thành phố lớn còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống đô thị như ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông, ngập lụt cục bộ, thiếu nhà ở, thiếu hạ tầng, không gian xanh... Bên cạnh đó, đất đai đô thị gia tăng với việc mở rộng ranh giới hành chính thời gian qua tiếp tục tạo nên thách thức trong cải thiện, nâng cấp chất lượng hạ tầng đô thị. 

Một góc khu đô thị phía Tây Hà Nội. Ảnh: TUẤN ANH 

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quá trình đô thị hóa đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó có việc chậm đổi mới năng lực quản trị đô thị, chưa xác định rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp, chưa phát huy tốt sự tham gia của cộng đồng dân cư đối với quản lý thực hiện quy hoạch, phát triển đô thị. Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đảng, Nhà nước đã xác định đối với phát triển đô thị, TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, cần thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có công tác quản lý nhà nước về đô thị.

Tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho đô thị phát triển

Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Theo ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Nghị quyết 06 đã xác định rõ 6 nhóm giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu đề ra. Giải pháp quan trọng hàng đầu là hoàn thiện thể chế, tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện cho các đô thị phát triển, bảo đảm các ưu tiên của Nhà nước, trong đó có ưu tiên về an sinh xã hội, nhà ở để người dân có điều kiện sống với chất lượng cao nhất. Đồng thời, bảo đảm không gian phát triển dự trữ của các đô thị cho tương lai về sau. Các đô thị cũng phải ứng phó với biến đổi khí hậu, sự ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, giữ được đặc trưng, bản sắc riêng trong quá trình toàn cầu hóa.

Việt Nam đang thúc đẩy các chương trình hợp tác quốc tế về lĩnh vực phát triển đô thị. Ông Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam và Thụy Sĩ đang trong giai đoạn chuẩn bị một chương trình song phương mới về phát triển đô thị bền vững. Chương trình sẽ tập trung vào việc tăng cường khuôn khổ pháp lý và quy định cho quy hoạch đô thị, tăng cường tính minh bạch của việc chia sẻ dữ liệu để hỗ trợ phát triển có khả năng phục hồi và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo nhằm giảm rủi ro do thảm họa liên quan đến khí hậu... Thụy Sĩ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường khuôn khổ quy hoạch đô thị, cải thiện tính minh bạch và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư nhân. Thông qua sự hợp tác này, các thành phố có thể phát triển theo cách toàn diện và bền vững.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, hoàn thiện chính sách và thể chế liên quan đến quản lý phát triển đô thị là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các bên, từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, cư dân đô thị và bạn bè quốc tế. Cần định hình một hành lang pháp lý thống nhất, hiệu quả, giúp đô thị hóa diễn ra lành mạnh, cạnh tranh và bền vững. 

TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, thời gian qua đã có nhiều kết quả trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác quy hoạch và xây dựng, phát triển đô thị, tuy nhiên chưa có luật riêng về quản lý phát triển đô thị. Hiện nay, dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng. Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, theo TS Đào Ngọc Nghiêm, dự thảo luật cần đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và quyết liệt đổi mới trong phát huy vai trò của đô thị hóa, đặc biệt là áp dụng các mô hình phát triển đô thị bền vững, hiện đại, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đối với chính quyền đô thị.

Tags: đô thị
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.