Kế hoạch trở thành trung tâm tài chính toàn cầu của Dubai

Chính quyền thành phố Dubai của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vừa mới công bố một kế hoạch kinh tế khổng lồ trị giá 8.700 tỷ USD cho thập kỷ tới nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư nước ngoài và trở thành trung tâm tài chính toàn cầu trên bản đồ thế giới.

Theo CNBC, dự kiến, Dubai sẽ thực hiện khoảng 100 dự án chuyển đổi trong lộ trình phát triển kinh tế 10 năm tới. Các dự án bao gồm thúc đẩy ngoại thương từ 14.200 tỷ AED trong thập kỷ qua lên 25.600 tỷ AED, tăng gần gấp đôi FDI hằng năm lên 60 tỷ AED và tăng chi tiêu công từ 512 tỷ AED trong thập kỷ qua lên 700 tỷ AED trong thập kỷ tới.

Kế hoạch này cũng nhằm mục đích đưa các khoản đầu tư của khu vực tư nhân tăng từ 790 tỷ AED trong thập kỷ qua lên 1.000 tỷ AED trong thập kỷ tới. 

Bến du thuyền Dubai Marina ở thành phố Dubai. Ảnh: Getty Images 

Từ lâu, Dubai đã là trung tâm thương mại quan trọng của Trung Đông. Hơn 90% cư dân ở Dubai là người nước ngoài. Do đó, lối sống tại đây có nhiều điểm tương đồng với các quốc gia phương Tây. Thành phố là điểm đến hấp dẫn nhờ các bãi biển đẹp và không đánh thuế thu nhập. Dubai còn nổi tiếng là một trong những nơi có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới.

Những năm gần đây, thành phố xa hoa của UAE đã triển khai một loạt biện pháp nhằm thu hút các công ty và người nước ngoài đến sinh sống và đầu tư. Bên cạnh đó, việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ người dân từ đầu năm 2021 đã cho phép Dubai trở lại cuộc sống bình thường trong đại dịch sớm hơn nhiều so với hầu hết nơi khác trên thế giới. Điều này giúp thu hút làn sóng cư dân và du khách mới, góp phần khiến lĩnh vực bất động sản tại Dubai bùng nổ. Thành phố này gần đây đã được xếp hạng là một trong 10 thành phố tốt nhất thế giới để người nước ngoài sinh sống và làm việc.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, thành phố này có thể đạt được mục tiêu đặt ra. Giám đốc điều hành (CEO) khu vực Trung Đông Tarek Fadlallah của công ty quản lý đầu tư Nomura Asset Management có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) cho biết: “Đó là một mục tiêu đầy tham vọng. Tuy nhiên, nếu dựa trên lịch sử nền kinh tế và quá trình cải cách của Dubai, không có gì để nghi ngờ những mục tiêu đó”.

Về phần mình, ông Karim Jetha, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản Longdean Capital có trụ sở ở Dubai, nhận định: “Kế hoạch nghe có vẻ tham vọng nhưng Dubai chưa bao giờ thiếu tham vọng. Khi các nước láng giềng như Saudi Arabia mở cửa và tìm cách nắm bắt nhiều cơ hội kinh doanh hơn trong khu vực, Dubai đang đặt mục tiêu cao hơn và tìm cách trở thành một trung tâm toàn cầu”.

Tags: Dubai
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.