Khôi phục ngành du lịch "càng sớm, càng rộng, càng thoáng"- càng tốt
TS. Lương Hoài Nam cho rằng việc quá thận trọng khi mở cửa ngành du lịch gây khó khăn cho các hãng hàng không, cho các doanh nghiệp du lịch, cho du khách.
Dự báo đón 5 - 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022
Chia sẻ về kết quả thí điểm sau 3 tháng thực hiện đón du khách quốc tế tại Tọa đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới” tổ chức chiều 24/2, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, ngành du lịch là một trong những lĩnh vực có sức bật, sự dẻo dai và linh hoạt rất mạnh mẽ. Trong mỗi đợt on/off trước đây, ngành du lịch luôn khởi động lại một cách nhanh chóng.
Từ khi có Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", hoạt động du lịch đã thực sự phục hồi. Tiếp sau đó, sang tháng 11, Bộ Văn Hoá, Thể thao & Du lịch đã thực hiện các chương trình thí điểm du lịch quốc tế tại Kiên Giang, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Quảng Ninh và từ tháng 12 có thêm Bình Định, TP.HCM.
Kết quả, trong 3 tháng vừa rồi, lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam đã bằng với lượng khách của tổng cộng 9 tháng trước đó. Nhất là trong dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, hoạt động du lịch diễn ra rất sôi động với 6,1 triệu lượt khách nội địa và 501 khách quốc tế.
Đặc biệt, hoạt động du lịch gắn liền với an toàn đã được đề cao và thực hiện nghiêm túc.
Theo ông Siêu, những kinh nghiệm trong hoạt động thí điểm sẽ là tiền đề cho hoạt động du lịch sắp tới. Bài toán tiếp theo là mở lại du lịch trong điều kiện bình thường mới, với lượng khách tăng lên nhưng vẫn sẽ đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Năm 2022, Việt Nam dự kiến đón 5 đến 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 60 triệu lượt khách nội địa.
"Chúng ta có thể hoàn toàn tự tin kết nối với các thị trường quốc tế khi tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam đã ở mức rất cao. Từ ngày 15/2, Việt Nam đã mở lại toàn bộ đường bay quốc tế và từ 15/3 sẽ mở lại toàn bộ du lịch. Như vậy, hàng không và du lịch đã có sự đồng điệu để cùng “bắt tay nhau” hồi phục trở lại", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch tin tưởng.
4 xu hướng du lịch mới
Chia sẻ về xu hướng của thị trường du lịch trong thời gian tới, ông Vũ Nam, Vụ phó Vụ Thị trường du lịch - Tổng Cục du lịch khẳng định mở cửa du lịch tại các quốc gia trên thế giới là xu thế tất yếu. Ông Nam cho biết có một số xu hướng du lịch mới đã và đang hình thành.
Xu hướng đầu tiên chính sách của các nước trên thế giới. 2022 là năm mở của du lịch, tuy nhiên tình hình dịch vẫn ảnh hưởng, việc đóng mở phải luân phiên duy trì. Cạnh tranh sẽ xảy ra khi mở cửa du lịch. Thách thức ở đây là đất nước nào có thể mở nhanh hơn và rộng hơn.
Thứ hai là xu hướng về sản phẩm du lịch. Do ảnh hưởng của Covid, du lịch xanh, du lịch về nông thôn, xa trung tâm, du lịch cộng đồng, du lịch chữa bệnh đang là xu hướng tại nhiều quốc gia.
Theo Global Data dự báo xu hướng du lịch chữa bệnh sẽ phục hồi 100% trong năm 2022. Một số quốc gia như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy mạnh sản phẩm du lịch này. Việt Nam cũng có tiềm năng phát triển xu hướng du lịch này.
Thứ ba là xu hướng về hành vi của khách du lịch. Khách du lịch có xu hướng lựa chọn mua sản phẩm du lịch trước thời điểm đi ngắn hơn nhiều, có thể do ảnh hưởng của dịch, trung bình đặt trước khoảng 14 ngày thấp hơn con số 36 ngày trước đây. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành nên chú ý xu hướng này để tiếp thị cho phù hợp.
Thứ tư là xu hướng sử dụng công nghệ thay thế, tối ưu hóa thị trường lao động bởi nhân sự ngành du lịch đã bị ảnh hưởng rất nặng nề do dịch. Xu hướng đặt phòng online cũng lên ngôi.
"Đối với du lịch Việt Nam, chúng tôi căn cứ số liệu của các tổ chức quốc tế, trong đó có Google, khi Việt Nam thí điểm đón khách quốc tế, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng vọt, riêng tháng 1 tăng hơn 200% so với tháng 12 năm ngoái. 10 thị trường tìm nhiều nhất đứng đầu là Mỹ, tiếp đến, Nga, Anh, Pháp,… những điểm đến được tìm kiếm nhiều là TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn, Bà Rịa – Vũng Tàu,… Đây là tín hiệu rất đáng mừng của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian sắp tới", ông Nam cho biết.
Cần nới lỏng chính sách visa để thu hút khách du lịch
Đánh giá về câu chuyện mở cửa ngành du lịch và hàng không, TS. Lương Hoài Nam, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi nhận định chúng ta đã chậm mất một bước so với thế giới.
“Nếu nói về thời điểm mở, và cách mở, tôi cho rằng, chúng ta đã bị chậm, thí điểm quá chậm, mở cửa càng chậm. Từ tháng 3/2021, tôi đã có đề xuất nên thí điểm mở cửa du lịch với "hộ chiếu vắc-xin".
Đến tháng 20/11, chúng ta mới quyết định thí điểm mở cửa du lịch Phú Quốc, nhưng trước đó, ngay từ đầu tháng 7/2021, Thái Lan đã bắt đầu thí điểm mở cửa, đến tháng 11 là họ mở cửa chính thức luôn. Trong khi đó, Campuchia không cần thí điểm, họ mở cửa luôn trong tháng 11, sang tháng 12, Lào mở cửa cho hơn 30 nước, trong đó có Việt Nam.
Chúng ta đã chậm, quá thận trọng khi các điều kiện thí điểm mở cửa thì quá khó cho các hãng hàng không, cho các doanh nghiệp du lịch, cho du khách.
Theo đó, trong 3 tháng 5 địa phương thí điểm chỉ thu hút được 9.000 khách, một con số quá khiêm tốn. Tại sao? Vì điều kiện được du lịch quá khó”, ông Lương Hoài Nam chia sẻ.
Từ góc độ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Lương Hoài Nam cho rằng cần quán triệt tinh thần “mở càng sớm càng tốt, mở càng rộng càng tốt, các điều kiện càng thoáng càng tốt” khi mở cửa ngành du lịch.
Theo đó, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi kiến nghị 3 hướng giải pháp để khôi phục ngành du lịch.
“Chính sách visa là điều kiện đầu tiên, chúng ta muốn thu hút khách du lịch thì cần nới lỏng điều kiện cấp visa, mở rộng danh sách các nước được miễn visa, mở rộng cánh cửa đón du khách.
Chúng ta cần phục hồi lại hoàn toàn chính sách visa như trước Covid, ngay lập tức và công bố luôn. Ngoài 13 nước được miễn visa cũ, chúng ta cần mở rộng diện miễn visa cho toàn bộ khối EU, Úc, Newzeland,…
Với Mỹ, Trung Quốc, nếu không miễn được thì đề nghị xem xét visa dài hạn 5 năm, 10 năm,… thì mới mong cạnh tranh được du lịch quốc tế.
Về quảng bá du lịch, thời trước Covid-19, các nước như Singapore hay Thái Lan chi 70-80 triệu USD mỗi năm để quảng bá du lịch, chúng ta chưa được một phần chỗ đó. Do đó, chúng ta cần tăng nguồn lực, đẩy mạnh quảng bá du lịch”, ông Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Lương Hoài Nam cũng nhắc lại một vấn đề mà “Covid làm chúng ta quên mất một vấn đề cực kỳ quan trọng từ thời trước Covid”, đó là quá tải hạ tầng sân bay.
“Về phát triển hạ tầng, cần phải có sự tham gia của giới đầu tư tư nhân để phát triển hạ tầng sân bay. Hiện Việt Nam có 21 sân bay nhà nước và 1 sân bay tư nhân. Nhìn số lượng là nhiều, nhưng cộng công suất của 22 sân bay chỉ được 75 triệu khách/năm, chỉ bằng công suất của 1 sân bay Changi của Singapore.
Để có sự phục hồi của hàng không, của du lịch, thì cần phải có sự phát triển về hạ tầng tương ứng, theo đó, cái gì tư nhân làm được hãy để cho tư nhân làm. Làm hạ tầng sân bay không hề khó khăn, hãy để cho những nhà đầu tư có năng lực làm. Bên cạnh đó, chúng ta cần cố gắng giảm thiểu các thủ tục mà doanh nghiệp, người dân phải thực hiện, vì càng nhiều thủ tục thì càng nhiều tiêu cực”, ông Lương Hoài Nam đề xuất.