Không hưởng bảo hiểm xã hội một lần để đời sống của người về hưu đảm bảo hơn

Về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của BHXH từ chính quá trình tích lũy khi tham gia BHXH của mình. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết tại Kỳ họp thứ 7, diễn ra sáng 27.5

Đã có nhiều ý kiến bàn luận về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có người ủng hộ nhưng cũng nhiều người không đồng tình. Bởi vì, mục đích của tham gia BHXH là để người lao động tích lũy, để khi về già có được khoản tiền chi tiêu. Khoản tiền dù ít nhiều, cũng là “chiếc lưới an sinh” để đỡ người nghèo không bị rơi xuống đáy. Cho nên, nếu người nào nhận BHXH một lần, thì sẽ mất an toàn khi về già, nhất là đối với người không có tích lũy hay bất cứ sự hỗ trợ nào khác.

Chính vì cái nhìn cho tương lai, người lao động khi còn ở tuổi làm việc, có thu nhập phải tham gia BHXH và giữ khoản tích lũy này. Đừng vì khó khăn nhất thời hay muốn có số tiền “lớn” phục vụ cho mục đích ngắn hạn mà phải chịu nhiều khó khăn khi về hưu.

Chưa nói đến người lao động đủ thời gian đóng BHXH bắt buộc, đối với không ít người đóng BHXH dưới 20 năm, cũng mong muốn giảm số năm đóng tối thiểu xuống 15 năm để được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần. Cho dù thời gian đóng BHXH ít hơn, lương hưu thấp hơn, nhưng cũng an toàn hơn so với không được đồng nào.

Còn nữa, không ít người muốn đảm bảo đời sống khi về già, hiện nay khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH, cũng có nhu cầu đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu. Vậy thì, không nên khuyến khích hưởng BHXH một lần, vì sẽ không bảo đảm cho đời sống người lao động khi về già, đồng thời làm mất đi ý nghĩa của tham gia BHXH.

Tuy nhiên, về mặt lý thuyết là như vậy, nhưng muốn cho người lao động nhận thức được đầy đủ, thì ngoài việc tuyên truyền chính sách, phân tích lợi ích và ý nghĩa của tham gia BHXH đối với mỗi người và với cộng đồng xã hội, phải có quy định của pháp luật để ràng buộc, điều chỉnh.

Ví dụ, quy định người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng điều kiện hưởng BHXH một lần.

Khi đã có pháp thì cứ thế mà hành, mọi công dân, các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải tuân thủ.