Làm sạch biển vì phát triển bền vững

Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có hơn 3.260km bờ biển, 2.770 đảo ven bờ và nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển và ven biển. Tuy nhiên, những năm qua, ô nhiễm biển đã và đang là cản trở lớn cho quá trình phát triển bền vững biển Việt Nam.

Lượng rác thải nhựa xả ra biển rất lớn

Đánh giá của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển và ven biển khi có hơn 1 triệu ki-lô-mét diện tích mặt nước biển, gấp 3 lần diện tích đất liền, có bờ biển dài hơn 3.260km, 2.770 đảo ven bờ. Vùng biển Việt Nam còn có trữ lượng nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng với 2.040 loài cá, trong đó khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao, ngoài ra còn rong biển và hơn 600 loài giáp xác, nhuyễn thể. Sự phát triển kinh tế biển đã trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Các vùng ven biển hằng năm thu hút khoảng 70% số lượng khách quốc tế và 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước, cùng với nguồn thu nhập cho gần 3 triệu lao động nghề biển.

Học viên Trường Sĩ quan Thông tin dọn rác tại bờ biển TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2005-2015, mức đóng góp của kinh tế biển và ven biển vào GDP cả nước đã giảm từ 48% năm 2005 xuống còn 40,7% năm 2010 và 32,5% năm 2015. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do ô nhiễm biển. Trong đó, rác thải nhựa trên biển là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất. Hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh, thành phố ven biển nước ta vào khoảng 14,03 triệu tấn/năm. Khối lượng rác thải nhựa xả ra biển của Việt Nam khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, nhiều thứ tư thế giới.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh khai thác dầu khí, phát triển kinh tế hàng hải, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch biển, xây dựng hệ thống cảng ven biển, phát triển nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị ven biển... vô hình trung cũng gây áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên của biển, làm suy kiệt các hệ sinh thái và môi trường biển và ven biển. Cạn kiệt tài nguyên, suy thoái các hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường biển là những vấn đề lớn Việt Nam cần quan tâm giải quyết trong quá trình tiến ra biển và lớn mạnh từ biển.

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải ra biển

Tại Hội nghị Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh việc chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo, khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển trên vùng biển. Lập kế hoạch phục hồi và phát triển các khu, hệ sinh thái, đa dạng sinh học bị suy giảm, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguồn gốc từ đất liền và từ biển, đảo, nguồn thải từ hoạt động giao thông vận tải, dịch vụ du lịch, nguồn thải từ hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Tích cực khắc phục và tuân thủ các quy định về “chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không tuân thủ quy định” để sớm hoàn thành việc gỡ “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu.

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường (BVMT) biển, theo các chuyên gia cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT biển, đảo và xây dựng pháp luật về an ninh môi trường; tăng cường năng lực của cơ quan chuyên trách BVMT và phát triển kinh tế biển. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát về tiêu chuẩn môi trường biển, xác định các điểm nóng về ô nhiễm biển, các loại giấy phép và biện pháp kiểm soát sử dụng đất ven biển, mặt nước biển và hải đảo. Tổ chức rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng của các dự án phát triển kinh tế biển đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đồng thời, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, ngăn chặn các nguy cơ gây ô nhiễm biển có thể xảy ra. Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế về bảo vệ an ninh môi trường.

Nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề rác thải, kêu gọi mọi người chung tay hành động BVMT biển, mới đây, Tạp chí Tòa án nhân dân đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường và Đài Truyền hình Việt Nam ra mắt Chương trình “Làm sạch biển” giai đoạn 2021-2026. Chương trình sẽ tổ chức tại 28 tỉnh, thành phố có biển trong thời gian 5 năm với các hoạt động chính, bao gồm: Thực hiện dọn sạch rác thải tại bãi biển; tổ chức lắp đặt, trao tặng các thùng rác công cộng tại các bãi biển; trao tặng những phần quà tới các gia đình, học sinh nghèo, cán bộ, chiến sĩ hải quân, biên phòng, các gia đình ngư dân; xây dựng Quỹ “Làm sạch biển”. Chương trình sẽ triển khai khởi đầu tại tỉnh Hà Tĩnh (tháng 8-2022), tiếp theo là TP Hồ Chí Minh (tháng 10-2022) và tỉnh Kiên Giang (tháng 12-2022).

Bài và ảnh: LA DUY

Tags: qdnd
Lượt xem: 109
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết