Một cách để bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Dự án “Tập huấn chỉnh âm cồng chiêng Kon Tum” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức, với sự tham gia của Nghệ nhân chế tác nhạc cụ, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Chí Khánh (Nhà hát Tuồng Việt Nam) và tôi trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy. Kết quả đạt được sau dự án vượt xa với mục tiêu ban đầu đề ra.

Khóa tập huấn có gần 20 học viên, nhiều người trong số họ đã là nghệ nhân chế tác, chỉnh chiêng ở 8 huyện trong tỉnh Kon Tum. Tham gia khóa học, học viên được giới thiệu về lý thuyết cơ bản-vai trò của thang âm cồng chiêng các tộc người, nguyên lý của việc chỉnh âm, cấu tạo các loại cồng chiêng... Ở những tiết học thực hành, việc truyền dạy kỹ thuật chỉnh âm được chia thành hai phần cơ bản: Phần thứ nhất là thao tác gò chỉnh nhạc cụ, do Nghệ nhân chế tác nhạc cụ Phạm Chí Khánh đảm trách. Khác với những tay thợ chỉnh chiêng thông thường, thầy Khánh đã “mổ xẻ” cấu tạo từng loại cồng chiêng và lý giải tác dụng từng phần trong thao tác gò-điều chỉnh cao độ hay triệt tiêu những tạp âm, bồi âm xấu và âm cộng hưởng. Đáng chú ý, thầy Khánh cất công mang cả bộ đồ nghề chỉnh chiêng được “thửa riêng” từ Hà Nội vào làm mẫu. Rồi cán bộ của sở mang ra hàng thợ sắt, thợ mộc thửa cho học viên mỗi người một bộ. Kết thúc khóa học, bà con mang về làng để chỉnh chiêng rất tiện lợi.

 Nghệ nhân chế tác nhạc cụ Phạm Chí Khánh hướng dẫn các học viên cách chỉnh chiêng.

Phần thứ hai là nhận diện từng loại thang âm cồng chiêng tộc người do tôi đảm nhiệm. Về nguyên tắc, người chỉnh chiêng phải có cái tai âm nhạc chuẩn xác để căn chỉnh chiêng cồng cho đúng với từng loại thang âm cổ truyền. Trong quá khứ, đây vốn là năng lực/tri thức khu biệt trong giới những tay thợ chỉnh chiêng nhà nghề và nhóm những nghệ sĩ cồng chiêng tài năng của buôn làng. Để làm được điều này, học viên lần lượt phải trải qua các bài tập thực hành nghe/nhận diện những quãng có tính rường cột của thang âm, sau đó là các bài tập thực hành nghe độ chênh lệch những quãng siêu nhỏ. Với phương pháp tiếp cận mới, các thang âm cồng chiêng Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai được nhận diện trên bảng biểu so sánh độ lớn của từng quãng giữa các chiêng cồng thành viên theo thứ tự từ thấp lên cao. Điều đặc biệt, khóa học đã dùng đàn guitar-nhạc cụ phổ biến và thông dụng trong đời sống-làm thước đo đối sánh.

Bản chất của thao tác chỉnh âm là gò chỉnh cho cao độ cồng chiêng trong dàn về đúng với thang âm tộc người. Nó giống như việc gắn phím hay lên dây đàn vậy, nếu phím sai, dây đàn phô sẽ ảnh hưởng trực tiếp, làm méo mó bản nhạc. Thang âm cồng chiêng được hiểu là mối tương quan cao độ giữa các cồng chiêng thành viên được điều chỉnh chuẩn xác. Mỗi tộc người sinh sống trên dãy Trường Sơn và vùng đất Tây Nguyên có hệ thang âm cồng chiêng khác nhau. Trong cổ truyền, các thang âm được lưu truyền hoàn toàn dựa trên trí nhớ, sự cảm nhận tinh tế của các nghệ nhân cồng chiêng bậc thầy cũng như những tay chỉnh chiêng nhà nghề. Và thang âm được xem như yếu tố tiền đề để xác định bản sắc nhạc chiêng các tộc người Tây Nguyên.

Theo thời gian, dưới sự ảnh hưởng của đời sống và văn hóa nghệ thuật mới, thang âm cồng chiêng dần bị mai một và có nguy cơ biến mất hoàn toàn. Thực trạng các dàn chiêng sai âm vẫn được đem ra diễn tấu bởi trong buôn làng không có ai biết chỉnh chiêng. Điều đáng buồn là nhiều đội chiêng, bản thân các thành viên trẻ không nhận ra chiêng sai âm, bởi họ cũng không biết thế nào là... đúng. Điều này xuất phát từ sự thiếu hụt nghiêm trọng những thợ chỉnh chiêng của mỗi tộc người. Tiếp nữa là nguy cơ bình quân hóa theo thang âm Tây phương, trở thành một trào lưu mới phủ khắp Trường Sơn-Tây Nguyên. Theo đó, cồng chiêng cũng gò chỉnh, cải tiến theo hệ âm Tây, được treo trên cái sào dài do 1-2 người chơi, gọi là “chiêng thanh niên”. Bên cạnh đó, có những thợ chỉnh chiêng vốn được đào tạo nhạc mới ở trường nghệ thuật, rồi họ về địa phương chỉnh âm các dàn chiêng cổ truyền theo thang âm Tây phương. Hiện nay, lớp nghệ nhân lão thành thực sự nhận ra thang âm cổ truyền không còn nhiều, có nghĩa là khả năng nhận diện hệ cao độ chính xác cồng chiêng tộc người ngày càng mờ nhạt ở khắp các buôn làng. Nếu các cơ quan quản lý không sớm ra tay hành động bảo tồn, các hệ thang âm cồng chiêng tộc người sẽ có nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn.

Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, các học viên khóa tập huấn đã nắm bắt và thực hành được kỹ thuật gò-căn chỉnh cao độ cồng chiêng cũng như phương pháp nhận diện hình hài các loại thang âm khác nhau. Trong dự án, mỗi học viên đã thực hành chỉnh âm chính bộ cồng chiêng của làng mình mà họ đem theo. Đây là một thành công lớn nằm ngoài dự kiến của chúng tôi, ai cũng rất phấn khởi khi hiểu thêm nguyên lý chế tác cồng chiêng.

Hy vọng sẽ có thêm nhiều dự án tập huấn như của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, để tới đây, kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng sẽ dần được lan tỏa ở khắp các buôn làng Tây Nguyên. Các thang âm cồng chiêng Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai... là những giá trị vô cùng độc đáo và phong phú sẽ được bảo tồn bền vững trong cộng đồng các tộc người cũng như trong kho tàng nhạc cụ dân tộc Việt Nam.

Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian BÙI TRỌNG HIỀN