Những điểm mới đáng chú ý của Luật Thanh tra sửa đổi
Luật Thanh tra sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1/7 có nhiều điểm mới đáng chú ý như quy định thống nhất một hoạt động “thanh tra”; bổ sung nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra trong phòng, chống lãng phí…
Sáng 3/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật, pháp lệnh vừa được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trong đó có Luật Thanh tra sửa đổi.
Thanh tra theo một trình tự, thủ tục thống nhất
Luật Thanh tra sửa đổi có 9 chương, 64 điều. Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Đạt cho biết thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, luật mới đã lược bỏ các quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Đạt giới thiệu những điểm mới của Luật Thanh tra sửa đổi. Ảnh: Đ.X
Thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra, Luật Thanh tra sửa đổi chỉ quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ sẽ được quy định trong nghị định, như việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra...
Theo ông Lê Tiến Đạt, luật đã sửa đổi, hoàn thiện một số nội dung nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức, hoạt động thanh tra, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, khắc phục một số bất cập của pháp luật về thanh tra hiện nay.
“Luật Thanh tra quy định thống nhất một hoạt động “thanh tra”, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và các cơ quan thanh tra khác tiến hành thanh tra theo một trình tự, thủ tục thống nhất quy định tại luật và các nghị định hướng dẫn thi hành”, Phó Tổng Thanh tra nói.
Sửa đổi lần này, Luật Thanh tra đã quy định cụ thể trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện kết luận thanh tra. Song song là quy định cơ chế phối hợp và xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán Nhà nước, điều tra, kiểm sát, kiểm tra.
Bổ sung quy định về thanh tra trực tuyến, từ xa
Nội dung mới đáng chú nữa là luật bổ sung một số nội dung cho phù hợp với việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, tăng cường mối quan hệ công tác giữa Thanh tra Chính phủ với các bộ, ngành, giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành và UBND cấp xã; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, không để có khoảng trống pháp luật khi sắp xếp hệ thống các cơ quan thanh tra.

Luật Thanh tra sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025. Ảnh: Đ.X
Theo đó, luật bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống lãng phí; bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra nhằm thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng về phòng, chống lãng phí; kiểm soát quyền lực.
Luật cũng bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ; bổ sung quy định về thanh tra trực tuyến, từ xa; quy định mang tính nguyên tắc về kiểm tra chuyên ngành.
Cùng với đó, bổ sung phương án xử lý các trường hợp phát sinh sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy tại quy định chuyển tiếp.
Phó Tổng Thanh tra cũng cho biết, các quy định của Luật Thanh tra năm 2022 vẫn còn phù hợp, không bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, trong quá trình thực hiện không có khó khăn, vướng mắc, như: phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc hoạt động, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra…. tiếp tục được kế thừa trong Luật Thanh tra mới.
Để bảo đảm các quy định của luật được triển khai có hiệu quả, theo ông Lê Tiến Đạt, cần khẩn trương xây dựng các dự thảo nghị định trình Chính phủ như: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra; Nghị định về hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Các nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra quốc phòng, Thanh tra công an, Thanh tra ngành Ngân hàng Nhà nước, cũng cần khẩn trương xây dựng.
Ngoài ra, các bộ, ngành cần xây dựng, ban hành các thông tư quy định theo thẩm quyền.
Luật Thanh tra sửa đổi được xây dựng trên 3 nguyên tắc:
- Quán triệt và thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và sắp xếp hệ thống quan thanh tra.
- Kế thừa và đổi mới trong quá trình sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất, tinh gọn về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương; khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra hiện nay.
- Cụ thể hoá chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cơ chế kiểm soát quyền lực, mối quan hệ công tác của hệ thống thanh tra các cấp; giữa Thanh tra Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương; giữa thanh tra tinh với các sở, ngành khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn hệ thống các cơ quan thanh tra.