Ninh Bình: Đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân trong vùng Di sản
Sự phát triển của du lịch Ninh Bình giúp chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hợp lý hơn, người lao động có cơ hội tìm việc làm và thu nhập cao hơn trước.
Người dân đổi đời nhờ du lịch
Theo báo Tin Tức, trước đây, người dân sinh sống trong khu vực Di sản Quần thể danh thắng Tràng An chỉ quen với nghề làm nông nghiệp, chăn nuôi, nghề thủ công. Hiện nay, họ đã chuyển sang làm dịch vụ du lịch như, kinh doanh lưu trú, nhà hàng ăn uống, chèo thuyền phục vụ du khách, chụp ảnh, hướng dẫn viên tại điểm du lịch, bán hàng, dịch vụ du lịch cộng đồng… Sự thay đổi này giúp chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hợp lý hơn, người lao động có cơ hội tìm việc làm và thu nhập cao hơn trước. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
Trước kia, gia đình anh Hà Văn Bắc (ở xã Ninh Xuân, Hoa Lư) chỉ sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Từ khi danh thắng Tràng An được đưa vào khai thác du lịch gia đình anh Bắc và hầu hết các hộ dân trong xã đã chuyển sang cung cấp các dịch vụ gắn với du lịch như: chèo thuyền, bán hàng lưu niệm, chụp ảnh, thuyết minh viên, nhân viên làm việc nhà hàng,...
Anh Bắc kể: “Từ đầu những năm 2000, khách du lịch đã đến tham quan ở Danh thắng Tràng An rất đông nhưng mạnh nhất là từ năm 2014 đến nay, khi Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh là di sản thế giới, lượng khách đến Tràng An vào mùa cao điểm có ngày lên đến hàng chục nghìn lượt người. Những người lái đò như chúng tôi phải mang cơm nắm đi ăn để kịp phục vụ du khách”.
Cũng nhờ du lịch, bộ mặt nông thôn ở Ninh Xuân đã thực sự thay đổi, nhiều gia đình nhờ chở đò, phục vụ khách du lịch mà thoát nghèo, xây dựng được nhà ở kiên cố. Không còn phải chân lấm tay bùn vất vả mưu sinh nên mọi người rất trân trọng và có ý thức bảo vệ thật tốt tài nguyên cảnh quan để phục vụ du khách.
Cũng nhờ làm các dịch vụ phục vụ du lịch anh Bắc đã xây được căn nhà 2 tầng khang trang. Nhận thấy tiềm năng phát triển của du lịch Ninh Bình, gia đình anh Bắc đã xây thêm 7 phòng nghỉ và công trình phụ trợ để phục vụ khách lưu trú ngày càng tốt hơn.
Tương tự, chị Đỗ Thị Tuyền (sinh năm 1982, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) đã có 18 năm lái đò ở Khu Du lịch sinh thái Tràng An. Từ năm 2003, khi khu du lịch mới đang trong quá trình xây dựng, chỉ có 20 thuyền, chị là người chuyên chở các đoàn khảo sát, công nhân đi làm ở khu du lịch.
Chị Tuyền cho biết, từ khi vào làm ở khu du lịch, cuộc sống đã thay đổi đáng kể. Trước đây, chị chỉ làm nông, thu nhập bấp bênh không ổn định. Từ khi có du lịch, cuộc sống của chị dần cải thiện, ổn định hơn. Không những thế, trong quá trình làm việc, chị còn được giao tiếp, học hỏi từ du khách trong và ngoài nước.
"Du lịch mang đến cho tôi và nhiều người lái đò nơi đây nói chung những điều tốt đẹp. Do đó, chúng tôi quyết tâm giữ gìn và bảo vệ Khu Du lịch ngày càng phát triển", chị Tuyền chia sẻ.
Năm 2014, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức đưa Quần thể danh thắng Tràng An vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Sự kiện trọng đại này đã mang lại cho du lịch Ninh Bình cơ hội, diện mạo mới. Quần thể danh thắng Tràng An trở thành “di sản sống” với 44 nghìn người dân ở đây, trong đó vùng lõi có trên 14 nghìn người. Từ khi đó, sự tác động của du lịch đã làm phong phú thêm sinh kế của cư dân địa phương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ. Hoạt động nông nghiệp chỉ chiếm hơn 15% trong cơ cấu kinh tế vùng di sản.
Quần thể danh thắng Tràng An đang tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động trực tiếp, 20 nghìn lao động gián tiếp. Ngoài ra, người dân được tham gia vào việc bảo vệ, quản lý di sản, đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế, chính sách, đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn di sản với sinh kế bền vững cho người dân.
Bà Hoàng Thị Thu Hường, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Du lịch sinh thái Tràng An cho biết, Khu Du lịch đang tạo việc làm cho 1.300 lái đò, với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng chủ yếu là phụ nữ từ 45-60 tuổi. Khu du lịch thường xuyên tổ chức chương trình tập huấn thường kỳ về nghiệp vụ du lịch cho lái đò; đồng thời giúp họ nhận thấy tầm quan trọng cũng như hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội khi phát triển du lịch tại địa phương. Khu du lịch luôn cố gắng đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân địa phương để thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia vào hoạt động du lịch.
Du lịch phát triển không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người dân nơi đây mà còn góp phần khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, trong đó, có nghề thêu truyền thống ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.
Năm 1994, toàn xã Ninh Hải chỉ có khoảng 10 hộ làm thêu tay với mục đích gia công sản phẩm cho các công ty xuất khẩu thủ công mỹ nghệ. Nhờ du lịch phát triển, hàng trăm hộ trong xã đã khôi phục và phát triển nghề thêu ren truyền thống. Đặc biệt, sau năm 2014, khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, khách du lịch tăng mạnh, nhất là khách quốc tế, hoạt động du lịch trở thành kênh xúc tiến thương mại quan trọng giúp nhiều công ty xuất, nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trên thế giới biết đến làng nghề thêu ren Ninh Hải, tìm về đặt hàng, thu mua sản phẩm. Từ đó, nghề thêu truyền thống ở nơi đây có cơ hội khôi phục và phát triển. Hiện nay, nghề thêu truyền thống ở xã Ninh Hải giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Ngoài ra, sản phẩm thêu ren còn được xuất đi các nước châu Âu và các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tiếp tục bảo tồn di sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân
Thông tin từ báo Ninh Bình, huyện Hoa Lư hiện có 272 di tích, trong đó, 65 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, 27 di tích Quốc gia, 38 di tích cấp tỉnh (trong đó có Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới là Quần thể danh thắng Tràng An).
Kết cấu hạ tầng du lịch tại địa phương được tập trung đầu tư xây dựng đảm bảo yêu cầu phát triển. Nhiều công trình trọng điểm về du lịch được đầu tư từ vốn Nhà nước như: Dự án xây dựng cụm công nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân; xây dựng làng nghề thêu ren Ninh Hải; xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp trực tiếp đến với du khách...
Tính hết năm 2022, toàn huyện có 256 cơ sở lưu trú với 2.500 phòng nghỉ, 5.100 giường, trong đó, gần 200 cơ sở lưu trú là loại hình du lịch homestay. Huyện xây dựng, phát triển nguồn nhân lực du lịch tại chỗ với trên 3.000 người vừa chèo đò, bán hàng vừa trực tiếp làm hướng dẫn viên du lịch.
Để tiếp tục bảo tồn di sản, bên cạnh việc tạo sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư Hoàng Ngọc Hòa cho biết, thời gian tới, huyện chủ động rà soát, lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu, điểm dân cư trong vùng đệm, vùng lõi di sản làm cơ sở quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý di sản và làm cơ sở quy hoạch xây dựng, hình thành khu, điểm du lịch cộng đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình tham gia phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ di sản bền vững.
Đồng thời, huyện đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch cũng như có chính sách hỗ trợ người dân xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch. Huyện đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng, kiến thức du lịch, ngoại ngữ và ý thức văn minh, lịch sự trong giao tiếp, phục vụ của người dân tham gia làm dịch vụ du lịch tại khu, điểm du lịch... Qua đó, đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư nhằm thực hiện mục tiêu quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch bền vững.
Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, nhấn mạnh, phát triển du lịch ở các khu vực di sản phải tuân thủ nghiêm các quy định chặt chẽ của UNESCO. Sự cân bằng trong vấn đề bảo tồn và phát triển du lịch di sản sẽ bị phá vỡ nếu lợi ích, sinh kế của cộng đồng địa phương không được đảm bảo. Chính vì vậy, các quốc gia và địa phương có di sản phải tôn trọng tối đa các giá trị nổi bật toàn cầu, tính nguyên vẹn, chân xác của di sản.
Minh Hoa (t/h)