Phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam

Những năm gần đây, với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và thế giới.

Article thumbnail
Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: LP

Từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số

Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh cho biết, năm 2023 thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tiềm năng phát triển thương mại điện tử còn rất rộng lớn, bởi thương mại điện tử mới chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Với tiềm năng, cơ hội lớn, phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam có thể bắt kịp với các nước đi trước. Đây là lĩnh vực có thể tạo ra hàng triệu việc làm, cả trực tiếp và gián tiếp cho người lao động Việt.

Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và định hướng năm 2030 xác định mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trên GDP cả nước đạt khoảng 20%. Hiện nay, kinh tế số có 2 nhóm ngành lĩnh vực chính, đó là kinh tế số ICT liên quan đến thiết bị công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn, viễn thông, phần cứng và phần mềm nội dung số.

Kinh tế số ngành lĩnh vực gồm toàn bộ hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực trong đó có thương mại điện tử. Theo định hướng, đến năm 2025, kinh tế số ngành lĩnh vực đạt tối thiểu 50% kinh tế số cả nước. Đặc biệt, thương mại điện tử đã và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực.

Hiện Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 nghìn chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid - 19. Việc đưa các hoạt động bán buôn, bán lẻ, lên nền tảng thương mại số, thương mại điện tử trở thành xu hướng lớn, chiếm 19,6% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu. Còn tại Việt Nam, mục tiêu đặt ra là doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 và có thể đạt được.

Còn khó khăn khi tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử

Tại thị trường Việt Nam, TikTok đã vượt qua Lazada để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai, chỉ sau nền tảng thương mại điện tử Shopee của Singapore. Chưa kể, nhiều ngành công nghiệp còn bỡ ngỡ, gặp khó khăn khi tiếp cận với các nền tảng thương mại điện tử lớn. 

 Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam còn nhiều khó khăn và thách thức. Ảnh: LP

Chẳng hạn, với ngành Gỗ, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ngô Sỹ Hoài, ngành Công nghiệp gỗ Việt Nam đã có 20 năm tăng trưởng liên tục với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10%. Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm chế biến thương mại gỗ hàng đầu thế giới. Trong nhóm sản phẩm gỗ nội, ngoại thất Việt Nam đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Tuy có những bước phát triển như vậy, song ngành công nghiệp gỗ Việt Nam còn bộc lộ nhiều khó khăn và thách thức bởi doanh nghiệp tham gia chế biến thương mại gỗ chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thức sản xuất chủ yếu là gia công theo những mẫu mã, đơn hàng đến từ những nhà nhập khẩu bên ngoài, do vậy giá trị gia tăng còn hạn chế…

Theo Chiến lược Phát triển Chính phủ điện tử, mỗi hộ nông dân, mỗi hộ kinh doanh đều có thể trở thành những cửa hàng trực tuyến để tăng khả năng tiếp thị, quảng bá. Thương mại điện tử tạo điều kiện cho rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể phát triển nhanh, bình đẳng với các doanh nghiệp quy mô lớn. 

Còn với ngành Dệt may, mặc dù thương mại điện tử đi vào hướng trực tiếp với người tiêu dùng và sản lượng thường nhỏ lẻ, nhưng đây là một trong những phương tiện nhanh nhất với người tiêu dùng cũng như giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu.

Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thực tế, việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn bởi nguồn nhân lực về thương mại điện tử; thiếu thông tin về xu hướng các quy định liên quan của thị trường nước ngoài. Các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới còn hạn chế.

Được biết, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai chuỗi các hoạt động liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử, đào tạo nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thương mại điện tử cho các địa phương, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp Chuyển đổi số; quảng bá các sản phẩm đặc trưng địa phương trên Sàn Việt và các nền tảng số.

Các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia chương trình đào tạo về phát triển thương mại điện tử có thể đăng ký với Sở Công thương các tỉnh, thành phố trên toàn quốc được hỗ trợ, đào tạo các kỹ năng chuyên sâu để có thể tham gia thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới một cách thuận lợi nhất.

Chính vì vậy, thời gian gần đây, tham gia xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử đã ghi nhận sự có mặt nhiều hơn của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thay vì các doanh nghiệp lớn như trước đây.

Về chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam tới năm 2030, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, định hướng chính sách thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến giai đoạn 2026 - 2030 cung cấp một cái nhìn tổng quan toàn diện về tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Theo các chuyên gia, để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên thị trường thương mại điện tử, doanh nghiệp cần đầu tư nâng cao năng lực vận hành bằng cách tự sáng tạo, thiết kế sản phẩm, hạn chế gia công nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định của thị trường tiêu dùng quốc tế.

Bên cạnh đó, để thành công trong thị trường cạnh tranh thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần phải có một chiến lược rõ ràng và hiệu quả, bao gồm việc sử dụng các công cụ marketing hiện đại và phù hợp để thu hút và giữ chân khách hàng. Các công cụ này có thể bao gồm các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội, e-marketing, website chuyên nghiệp… Bằng cách tận dụng các công cụ này một cách thông minh, các doanh nghiệp có thể tạo ra sự chú ý đến sản phẩm và dịch vụ của mình trên thị trường quốc tế, từ đó tăng cơ hội bán hàng và mở rộng doanh số.