Phát triển kinh tế thể thao nhìn từ vai trò các Liên đoàn, Hiệp hội

Từ câu chuyện kinh phí hỗ trợ vận động viên thi đấu quốc tế của Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam đã đặt ra bài toán phát triển, phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao Việt Nam trong giai đoạn tới.

Phát triển kinh tế thể thao nhìn từ vai trò các Liên đoàn, Hiệp hội

Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam 2024. Ảnh: Kim Chi

Sau khi giành huy chương đồng thế giới tại Pháp giữa tháng 9 vừa qua, nữ cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi đã chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, bày tỏ sự không hài lòng với VBSF về việc cô và một đồng đội khác phải tự bỏ tiền túi để thi đấu, bao gồm tiền vé máy bay, di chuyển, ăn uống trong 6 ngày, rơi vào khoảng 55 triệu đồng/người (Liên đoàn carom 3 băng thế giới chi trả tiền khách sạn). Tháng 3.2024 vừa qua, VBSF thông báo thu tiền để trở thành thành viên của VBSF, với 500.000 đồng/cơ thủ/năm và 200.000 đồng (đóng 1 lần) để làm thẻ thành viên. Câu hỏi đặt ra là Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam đã làm tốt vai trò kết nối các liên đoàn thành viên, tổ chức quốc tế cũng như nguồn lực xã hội hóa chưa?

Bên lề Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam 2024 diễn ra ngày 17.10, ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thao chia sẻ với Lao Động: “Liên quan đến câu chuyện của cơ thủ Yến Nhi, có hai vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, ở góc độ Liên đoàn, Cục Thể dục thể thao đã có văn bản chỉ đạo Liên đoàn phải làm việc với các bên để không làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Bản thân VBSF chưa làm tốt việc thu hút các nguồn lực để có thêm sự đầu tư, kinh phí hỗ trợ vận động viên. Nếu chỉ có việc mỗi thành viên đóng 500.000 đồng thì số tiền đó sẽ không đủ để chi cho các khoản tiền thưởng.

Cũng tại Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam 2024, ông Đặng Hà Việt cho biết: “Dưới góc độ liên quan đến chính sách, ngành thể thao vẫn còn một số vướng mắc. Ủy ban Olympic Việt Nam, các Liên đoàn, Hiệp hội chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ, chưa năng động kêu gọi, chưa tạo ra được sự kiện, giá trị của bản thân để thu hút nguồn tài trợ. Chỉ có một số Liên đoàn kêu gọi được nguồn xã hội hóa trong đào tạo, tuyển chọn vận động viên thi đấu nước ngoài. Còn lại, đa phần các Liên đoàn chỉ dừng ở mức kêu gọi nguồn xã hội hóa cho một vài hoạt động tổ chức sự kiện nhỏ lẻ. Đây cũng là điều tốt nhưng quan trọng vẫn phải là tìm kiếm nguồn đầu tư xã hội hóa để đào tạo vận động viên”.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao nhấn mạnh, một năm có khoảng gần 2.500 giải thể thao, trong đó, ngành thể thao cần tham dự ít nhất 700 giải, nhưng ngân sách trung ương chỉ đảm bảo 170 giải và nguồn còn lại từ ngân sách địa phương và xã hội hóa. Rõ ràng, các Liên đoàn, Hiệp hội chưa phối hợp tối đa, dù có chia sẻ nhưng chưa đóng tỉ trọng lớn, cần có sự tăng cường và giải pháp rõ ràng.

Về vấn đề xã hội hóa trong thể thao, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội - Ban Kinh tế Trung ương - cho biết: “Cụm từ xã hội hóa được nhắc đến tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, trong đó, ngành thể thao được ưu tiên quan tâm sớm. Chính phủ đã ban hành sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản hỗ trợ thể dục thể thao nói chung và kinh tế thể thao nói riêng, góp phần thu hút những nguồn lực trong toàn xã hội đầu tư cho thể thao.

Ông Hùng nói thêm: Trước mắt, chúng ta cần lên phương án, xây dựng hệ thống cơ chế cho các hoạt động kinh tế thể thao; xây dựng doanh nghiệp đủ lớn, đủ sức cạnh tranh quốc tế... Tất cả phải phối hợp cùng nhau, từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương. Về thể chế, các cơ quan chức năng phải cần tốt luật sở hữu trí tuệ, bản quyền, thể chế hóa tất cả văn bản pháp luật khác liên quan để đồng bộ hơn. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Thể dục Thể thao phải chủ động phối kết hợp với các cơ quan khác để xây dựng, từ đó thu hút nguồn lực xã hội hóa tốt nhất”.

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.