Tăng cường các giải pháp đối phó với nguy cơ ùn tắc trong đăng kiểm
Trong thời gian tới, nhiều đăng kiểm viên sẽ được đưa ra xét xử. Dự báo các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới tại Hà Nội có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tái diễn tình trạng ùn tắc do thiếu hụt nhân lực, buộc cơ quan chức năng phải sớm triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP Hà Nội đang có 28 TTĐK xe cơ giới với tổng số 53/59 dây chuyền kiểm định đang hoạt động. Trong đó, có 18 dây chuyền loại I kiểm định xe con và 35 dây chuyền loại II kiểm định xe hỗn hợp. Số dây chuyền hiện nay đang đáp ứng cho khoảng 67.680 xe cơ giới cần kiểm định/tháng.
Nguy cơ ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các TTĐK trên địa bàn Hà Nội có thể diễn ra vào các tháng 4/2024 (lượt xe dự kiến đến kiểm định là gần 77.400 xe, các trung tâm chỉ đáp ứng khoảng 87%); tháng 5 (hơn 90.700 xe kiểm định, đáp ứng khoảng 74% nhu cầu); tháng 6 (gần 87.000 xe, các trung tâm chỉ có thể đáp ứng khoảng 77%); và tháng 7 (có 90.552 xe, đáp ứng khoảng 74%).
Thời gian tới đây, vụ án tiêu cực xảy ra tại các TTĐK và đăng kiểm viên sai phạm sẽ được đưa ra xét xử, rất có thể nhiều đơn vị sẽ phải dừng hoạt động do chưa kịp bố trí nhân sự mới. Điều này cũng dễ hiểu, bởi với 53 dây chuyền đang vận hành thì có 226 đăng kiểm viên đảm nhiệm, nhưng trong số đó có tới 143 đăng kiểm viên bị khởi tố, được tại ngoại đã và đang tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định.
Số đăng kiểm viên này khi bị tòa tuyên án, thì họ sẽ không được tiếp tục tham gia hoạt động kiểm định (bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên nếu bị kết tội). Ngoài ra, đăng kiểm viên có thể còn bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ đăng kiểm trong thời gian nhất định kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Cùng với đó, số phương tiện xe cơ giới phải đi kiểm định khi hết thời gian giãn chu kỳ đăng kiểm theo Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT ngày 03/06/2023 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ tiếp tục gia tăng, khiến nguy cơ ùn tắc tại các đơn vị đăng kiểm trong thời gian tới càng thêm trầm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Dự báo trước những khó khăn sẽ phát sinh trong hoạt động đăng kiểm, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức họp với các đơn vị liên quan, xây dựng phương án dự phòng cho các tình huống phát sinh để duy trì hoạt động đăng kiểm trên địa bàn khi cơ quan tố tụng đưa các vụ án ra xét xử. Theo đó, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị đăng kiểm thực hiện nghiêm các quy định trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, tăng cường các giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc.
Các TTĐK chủ động thống kê, tổng hợp và cập nhật tình hình nhân sự, đề xuất với Cục Đăng kiểm Việt Nam kịp thời tập huấn nghiệp vụ, cấp chứng chỉ đăng kiểm viên, tạo nguồn đăng kiểm viên và nhân sự nghiệp vụ dự bị để đảm bảo hoạt động ổn định của đơn vị. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức phân luồng giao thông, bố trí đường xe vào, ra hợp lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho người và phương tiện khi đến kiểm định xe; phối hơp với chính quyền địa phương có phương án dự phòng bãi đỗ khi lượng xe đến kiểm định tăng đột biến.
Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất UBND TP Hà Nội bố trí kinh phí để mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động đăng kiểm; đề nghị các sở, ngành có liên quan tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo hoạt động ổn định cho các TTĐK. Đồng thời, khuyến cáo tới các chủ phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn thành phố nên chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng; tra cứu thông tin về tình trạng phạt nguội trong vi phạm giao thông (nếu có) trước khi đi kiểm định. Chủ động linh hoạt trong việc đăng ký đặt lịch hẹn trước qua phần mềm của Cục Đăng kiểm Việt Nam và các hình thức đăng ký trực tiếp, nhằm hạn chế ùn tắc và tiết kiệm thời gian khi đưa phương tiện đến kiểm định.
Để chủ động phòng ngừa tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu các TTĐK tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn chủ phương tiện đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định trực tuyến qua ứng dụng của cục để thuận lợi trong việc kiểm định. Chủ động hướng dẫn phân luồng, ưu tiên, tạo thuận lợi cho các phương tiện đã đăng ký lịch hẹn trực tuyến. Vận động cán bộ, công nhân viên tăng ca, làm thêm giờ kể cả ngày nghỉ, ngày lễ để phục vụ người dân.
Các TTĐK vận dụng linh hoạt, khoa học việc bố trí, sắp xếp nhân sự (đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ), cơ sở vật chất kỹ thuật của đơn vị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong công tác kiểm định.